Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 73.000 ca mắc COVID-19. Trước tình trạng số ca mắc tăng cao, Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chi viện cả nhân lực và vật lực để đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Thông tin trên Báo Tiền Phong, chiều ngày 24/8, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến hôm nay địa phương ghi nhận hơn 73.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 30.000 bệnh nhân xuất viện và 604 ca tử vong. Hiện Bình Dương đang điều trị cho 14.953 bệnh nhân, 898 người diễn biến nặng.
Tại 21 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bình Dương có 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng trực tiếp phục vụ, cùng nhân viên y tế hỗ trợ 166 người với số giường trên địa bàn tỉnh đáp ứng điều trị được 17.240 người. Do đó, Bình Dương trong tình trạng 1 bác sĩ phải phục vụ cho 1.000 bệnh nhân.
Đến thời điểm hiện tại, có 4 đoàn y tế kết thúc chương trình chi viện cho tỉnh là Đại học Y Hà Nội (350 người), Đại học Y Tây Nguyên (40 người), Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương - Đoàn 2 (319 người), Đoàn Y tế tỉnh Lâm Đồng (57 người).
Theo ông Võ Văn Minh, dự báo trong 2 tuần tới sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc COVID-19 mới, nhất là khi tỉnh thực hiện xét nghiệm sàng lọc diện rộng lần 3, do đó tổng số ca bệnh mắc mới có thể tăng thêm khoảng 50.000 ca, nâng tổng số nhiễm lên đến 120.000 người.
Trước tình hình trên, với số lượng đội ngũ nhân lực hiện có thì Bình Dương không đủ nguồn lực để dập dịch cũng như điều trị bệnh nhân COVID-19. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để chăm lo cho người dân trong thời gian áp dụng “đông cứng, khóa chặt”.
Lãnh đạo Bình Dương đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 với số lượng 10.000 liều Remdesivir, 10.000 liều Enoxaparin, 10.000 liều Molnupiravir cho tỉnh. Tiếp tục phân bổ thêm vắc xin để tiêm cho khoảng 2 triệu người ở khu vực "vùng đỏ" trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa điều trị tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 (tầng 2, tầng 3) và trang thiết bị, máy móc, trong đó có máy thở dòng cao phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Cụ thể, bổ sung thêm 1.500 bác sĩ và sinh viên y khoa và 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tiếp tục cử lực lượng hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch với số lượng khoảng 500 người; hỗ trợ 50 bác sĩ hồi sức cấp cứu; 50 bác sĩ chuyên khoa; 100 điều dưỡng, hồi sức cấp cứu có kinh nghiệm; 100 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Đồng thời hỗ trợ trang thiết bị y tế trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.