Dịch Covid-19 cơ bản đã được kiềm chế, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương bắt đầu “vực đậy” khôi phục sản xuất kinh doanh. Còn với những công nhân lao động bị mất việc làm, khó khăn thì đang được các ngành, doanh nghiệp Bình Dương tập trung chăm lo.
Bà Trương Thị Bích Hạnh thăm hỏi công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19.
Sau một thời gian đóng cửa, mới đây, Công ty An Phát Cường, chuyên sản xuất các mặt hàng từ gỗ ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã hoạt động trở lại. Được quay trở lại nhà xưởng làm việc, hơn 300 công nhân lao động háo hức vui mừng, bởi đã thoát được cảnh thất nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu, Kế toán trưởng Công ty An Phát Cường cho biết, trước đây không có đơn hàng, công ty đã cho công nhân nghỉ 15 ngày. Trong thời gian tạm nghỉ, công ty đã hỗ trợ mỗi người từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Sau đó, ban giám đốc nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để đảm bảo công việc cho người lao động:
Theo bà Thu, Công ty cũng đã chia sẻ thông tin để người lao động nắm tình hình khó khăn chung hiện nay. Công ty cũng cho người lao động thấy sự cố gắng, nỗ lực để gắn bó. Sau này kết thúc dịch bệnh vẫn đủ nguồn lực đảm bảo kế hoạch sản xuất của các đơn hàng.
Còn tại Công ty TNHH Apprel Far Eastern VN, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên một số đơn hàng bị hủy, nhưng công ty vẫn bố trí cho anh chị em công nhân làm việc đều đặn, không để ai phải tạm nghỉ việc trong thời gian này.
Bà Phạm Thị Duyên, chủ quản cấp cao công ty cho biết, sau dịch các đơn hàng của công ty lại đều đặn hơn, người lao động cũng mong muốn được tăng ca để cải thiện thu nhập.
Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, có hơn 240 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, kéo theo gần 130.000 công nhân bị chấm dứt hợp đồng, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương… Mất việc làm, đồng nghĩa với thu nhập của người lao động bị giảm sút.
Sát cánh cùng công nhân lao động, các cấp công đoàn ở Bình Dương liên tục triển khai nhiều chương trình chăm lo phù hợp và nhận được sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Từ đó, hàng ngàn phần quà của nhà hảo tâm được đưa đến tận nhà trọ tặng công nhân khó khăn. Nhận những phần quà ý nghĩa đó, công nhân xa quê ở Bình Dương rất cảm động:
Công nhân Nguyễn Thị Hoa (KCN VSIP) chia sẻ, trong thời điểm khó khăn, may có sự giúp đỡ của các cấp công đoàn và doanh nghiệp nên cũng an ủi được phần nào. Ngay cả chủ nhà trọ cũng thương tình giảm giá mỗi tháng 200.000 đồng tiền thuê phòng. Những việc làm nhân văn này khiến tôi và nhiều anh chị em công nhân vô cùng cảm động và biết ơn.
Nếu như những năm trước, vào Tháng Công nhân, công đoàn các doanh nghiệp chuẩn bị những hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người lao động, thì năm nay họ dành mọi nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất cho công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cán bộ công đoàn cũng đang lên danh sách công nhân bị mất việc để được hưởng trợ cấp từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ; hay nhận hỗ trợ từ Ngân sách công đoàn Bình Dương trao tặng.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để lực lượng công nhân có việc làm, quay trở lại làm việc ổn định đang là vấn đề cấp bách cho nên lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành hỗ trợ hết mình để doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại.
Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, hiện nay các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị phúc lợi có gói hỗ trợ, chương trình, phần quà đến với người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục vận động chủ nhà trọ chia sẻ với người lao động. “Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp có nhiều phương án, giải pháp trong sản xuất duy trì việc làm cho người lao động có thu nhập đủ cho cuộc sống hàng ngày”, bà Trân cho biết.
Đây là năm mà dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến đời sống người lao động, song với những hành động thiết thực, ý nghĩa của các cấp công đoàn ở Bình Dương đã giúp cho nhiều người công nhân xa quê cảm thấy ấm lòng và thêm yêu mảnh đất thứ hai nhiều hơn.
Công nhân phấn khởi làm việc sau dịch bệnh.