Đại dịch Covid-19, nhiều người dân, trong đó có cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) không may bị nhiễm bệnh và tử vong, để giúp thân nhân những người bệnh qua đời, địa phương cũng như các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp họ phần nào ấm lòng hơn.
Trong đợt dịch lần thứ 4, Bình Dương có hơn 246.000 ca mắc và đã có hơn 2.500 người tử vong, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh.
Nước mắt người ở lại
Một ngày giữa tháng 11-2021, sau khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, chúng tôi tìm đến khu dân cư 434, ấp Bình Đáng, phường Bình Hòa, TP Thuận An, đây là một trong những khu vực có số người chết vì Covid-19 nhiều nhất tại Bình Dương.
Đi sâu vào những con hẽm loằng ngoằng bên trong, nơi có các dãy trọ nằm chi chít, với hành lang phía trước chưa đến 1m, chủ yếu là nơi sinh sống của CNLĐ làm việc tại KCN Sóng Thần 2, KCN VSIP I… Tôi tìm đến phòng trọ của anh Châu Văn Kháng, (CN Công ty TNHH Esprinta Việt Nam- KCN Sóng Thần 2, Dĩ An), ngồi thất thần bên hiên cửa, cùng 2 con (một cháu 3 tuổi và 1 cháu 2 tháng tuổi), anh Kháng nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng cách đây 2 tháng về trước, “lúc đó, vợ tôi đang mang thai cháu thứ 2 được 7 tháng 10 ngày, thì phát hiện mắc Covid-19 và được yêu cầu nhập viện để mổ lấy thai sớm. Một tuần sau mổ thì cô ấy mất, tôi vẫn nhớ như in cái ngày 29-9, vợ nhắn với tôi là cô ấy rất mệt, tôi đã có linh cảm xấu, nhưng không biết làm sao để lên thăm vợ, chỉ ngồi ở nhà cầu nguyện cho cô ấy tai qua nạn khỏi, nhưng phép màu đã không đến với cô ấy”, anh Kháng nghẹn ngào nói.
Như bao người rời quê khác, vợ chồng anh Kháng từ miền Tây lên Bình Dương làm CN với mong muốn có cuộc sống ổn định hơn, lau vội nước mắt, anh Kháng kể “cô ấy còn trẻ lắm, mới sinh năm 1998 thôi, vợ chồng lấy nhau hơn 4 năm rồi nhưng cô ấy chưa bao giờ được an nhàn, sung sướng, lúc nào cũng quần quật làm việc, nay thì cô ấy đã được nghỉ ngơi rồi”.
Hoàn cảnh khó khăn, cộng với việc chưa thể nào lấy lại tinh thần khi vợ mất, anh Kháng có nguyện vọng cùng 2 con về quê để có người thân chăm sóc. Tuy nhiên, sợ không có việc làm lại khổ con, nên anh vẫn quyết tâm bám trụ lại thành phố, nhìn các con thơ, anh Kháng nghẹn ngào “tôi thương 2 đứa con đứt ruột, đứt gan, nếu không vì Covid thì chúng nó đã có một gia đình đầy đủ”. Từ ngày lâm cảnh "gà trống nuôi con", anh Kháng trở nên tháo vát hơn với mọi việc trong nhà. Tuy nhiên, phải cáng đáng các con ăn học, trong khi thu nhập bấp bênh, anh Kháng chưa biết sẽ xoay sở ra sao.
Tại Bình Dương, ngoài trường hợp của anh Kháng thì còn có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương khác đang cần sự giúp đỡ, họ đa phần là CNLĐ xa quê, cuộc sống còn trăm bề khó khăn.
Lập sổ tiết kiệm cho con CN
Bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, đại dịch ập đến, chứng kiến sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, không việc làm, ảnh hưởng thu nhập, nhiều lao động rơi vào khó khăn, bế tắc. Cảm thông, thấu hiểu, bằng tất cả trách nhiệm, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương đã và đang làm hết sức mình để gia đình đoàn viên, NLĐ mất vì Covid-19 được cảm thấy ấm lòng hơn.
Theo thống kê sơ bộ đến tháng 10-2021, Bình Dương có 125 cháu mồ côi khi cha mẹ là đoàn viên công đoàn tử vong do Covid-19. Ccác cấp công đoàn tỉnh Bình Dương đã chủ động thăm hỏi và động viên hỗ trợ ban đầu cho các cháu. Đơn vị này cũng đã có công văn hướng dẫn thực hiện quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc chi hỗ trợ trẻ em mồ côi là con đoàn viên công đoàn tử vong do Covid-19.
Trong đó có chương trình “Sổ tiết kiệm Công đoàn Việt Nam”, sẽ trao cho các em nhỏ dưới 16 tuổi có cha, mẹ là đoàn viên công đoàn tử vong do Covid-19. Trường hợp cháu nhỏ có cha hoặc mẹ tử vong sẽ trao sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, trường hợp cả cha và mẹ tử vong sẽ hỗ trợ sổ tiết kiệm 20 triệu đồng. Hiện công đoàn cấp trên cơ sở đang tiến hành rà soát, lập danh sách các trường hợp đoàn viên công đoàn tử vong do Covid-19 có con nhỏ dưới 16 tuổi.
Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp công đoàn trong công tác chăm lo cho các em có cha hoặc mẹ là đoàn viên, NLĐ mất do dịch Covid-19. “Với sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là tổ chức Công đoàn đối với hoàn cảnh thương tâm của các cháu có cha, mẹ mất do Covid-19 sẽ phần nào giảm bớt khó khăn cho bản thân các cháu và gia đình. Tôi mong rằng các cháu sẽ mạnh mẽ về tinh thần để vượt qua nghịch cảnh. Các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương sẽ luôn đồng hành cùng các cháu trong từng bước trưởng thành”, bà Mai nói.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đối với người chết do Covid-19, Bình Dương đã thực hiện hỗ trợ mai táng phí. Theo đó, mức hỗ trợ đối với hộ gia đình, cá nhân có người thân chết do dịch Covid-19 là 20.000.000 đồng/người/lần. Trường hợp đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách thì được chọn chính sách hỗ trợ cao nhất.
Đối với trẻ em dưới 16 tuổi thì được hỗ trợ mỗi em 5 triệu đồng và tỉnh cũng đang có kế hoạch bảo trợ dài hạn, với mức dự kiến mỗi tháng từ 700.000-1.200.000 đồng. Đồng thời, kêu gọi, vận động các tổ chức, đơn vị, Mạnh Thường Quân hỗ trợ theo hình thức 1 lần hoặc nhiều lần.