Chiều 12/9, ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, đã nắm được vụ việc khai thác rừng trái phép tại khu vực quy hoạch chức năng rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 131, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, Bình Định và đang yêu cầu phía kiểm lâm báo cáo.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt cây rừng đã bị “tàn sát”, cưa hạ không thương tiếc tại khu vực quy hoạch rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 131 ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Các cây này có dấu cưa còn rất mới, có cây có đường kính lớn hơn 30cm...
Theo UBND xã Mỹ Lộc, từ năm 2013 - 2015 một số hộ dân ở thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc đã chiếm đất tại tiểu khu 131 với diện tích 45,08ha để trồng cây keo trái pháp luật.
UBND xã phối hợp với cơ quan chức năng xác minh và nhiều lần thông báo truy tìm nhưng không có người đứng ra, nhận hành vi và diện tích vi phạm.
Cuối năm 2016, UBND xã Mỹ Lộc phối hợp cùng Ban quản lý rừng phòng hộ tiến hành cắt bỏ toàn bộ số cây trồng trái phép trên diện tích 45,08ha (32,03ha rừng chức năng phòng hộ, 13,05ha chức năng sản xuất).
Năm 2017, UBND xã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ trồng rừng thay thế theo chỉ đạo của UBND huyện Phù Mỹ nhưng không thực hiện được, do một số hộ dân có hành vi chống đối quyết liệt. Sau đó, diện tích rừng tái sinh được một số hộ dân lén chăm sóc.
Căn cứ Quyết định 4854/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Bình Định ban hành về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Bình Định, thì diện tích 13,05ha do các hộ dân chiếm trồng cây trái pháp luật, đã quy hoạch sang chức năng phòng hộ.
Ông Phan Văn Nhanh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết, qua kiểm tra có khoảng 4.600m2 rừng nằm trong khu vực quy hoạch chức năng rừng phòng hộ bị khai thác trái phép nhưng chưa xác định được thủ phạm. Đường kính mỗi cây keo, bị khai thác từ 10-30cm.
“Đây là tài sản tái sinh từ việc lấn chiếm trồng rừng đã bị nhổ bỏ chưa triệt để và nhà nước chưa bỏ vốn đầu tư. Nhưng không được phép cho khai thác vì diện tích rừng vi phạm đã được cưỡng chế, huỷ bỏ và hiện nay nhà nước đang quản lý”, ông Nhanh nói.
Theo ông Nhanh, đến nay vẫn chưa xác lập cụ thể chủ sở hữu, do trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện thiếu quan tâm.
Lẽ ra sau khi có phương án trồng rừng thay thế thì phải xác lập quyền sở hữu toàn dân, giao đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ để quản lý theo chức năng rừng phòng hộ nhưng đến nay vẫn chưa giao.
“Giờ đụng chuyện mới dẫn đến vụ việc phức tạp như thế này. Đến lúc này chưa xác định được ai là chủ rừng cả, vì chủ rừng phải được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để trồng rừng nhưng chưa giao cho chủ rừng, nên xã chịu trách nhiệm quản lý chung. Hiện hay, đang đề nghị tham vấn ý kiến Sở Tư pháp để xác lập quyền sở hữu toàn dân, để giao cho chủ rừng quản lý”, ông Nhanh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tố - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ cho hay, khu vực rừng bị khai thác chưa giao về cho Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý.
“Trước đây, chúng tôi được giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế nhưng không thực hiện được do bị nhiều người dân cản trở. Việc khai thác rừng trái phép, không có trách nhiệm của Ban”, ông Tố khẳng định.
Nói về trách nhiệm để xảy ra khai thác rừng trái phép, ông Ngô Khánh Toàn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ cho rằng, về mặt nguyên tắc chưa giao đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ thì về mặt quản lý trách nhiệm thuộc về UBND xã Mỹ Lộc.
“Chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân thì cơ quan kiểm lâm không có thẩm quyền xử lý về hành vi khai thác rừng trái pháp luật. Tôi đã cử anh em kiểm lâm địa bàn phối hợp chốt trực, tuy nhiên UBND xã rất thiếu quan tâm trong việc cử lực lượng phối hợp mà viện lý do họp hành”, ông Toàn cho hay.