Ngày 5/11, UBND tỉnh Bình Định cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP. Quy Nhơn (Bình Định).
Toàn bộ diện tích tự nhiên 0,97 km2, quy mô dân số 17.954 người của phường Lê Hồng Phong và toàn bộ diện tích tự nhiên 0,69 km2, quy mô dân số 9.311 người của phường Lý Thường Kiệt sẽ nhập vào phường Trần Phú. Sau khi nhập, phường Trần Phú có diện tích tự nhiên 2,32 km2 và quy mô dân số 38.806 người.
Đồng thời, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 0,47 km2, quy mô dân số 10.001 người của phường Trần Hưng Đạo và toàn bộ diện tích tự nhiên 0,57 km2, quy mô dân số 14.090 người của phường Lê Lợi vào phường Thị Nại (TP. Quy Nhơn).
Sau khi nhập, phường Thị Nại có diện tích tự nhiên 2,94 km2 và quy mô dân số 36.458 người.
Như vậy, sau khi sắp xếp, TP. Quy Nhơn có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường và 5 xã.
Cũng theo nghị quyết số 1257, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập Thị trấn Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định).
Theo đó, thành lập Thị trấn Cát Khánh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 30,74 km2 và quy mô dân số 17.358 người của xã Cát Khánh. Sau khi thành lập, Thị trấn Cát Khánh, huyện Phù Cát có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 3 thị trấn.
Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bình Định có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 8 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 155 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 115 xã, 28 phường và 12 thị trấn. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2024.
Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua tại phiên họp ngày 24.10. Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành nghị quyết này.
Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương nhằm ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Chính phủ chỉ đạo các bộ có liên quan và chính quyền tỉnh Bình Định tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đối với các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, xác định lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong những năm tiếp theo theo đúng quy định.
Nói về công tác cán bộ sau khi sắp xếp hành chính, Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu, không dùng từ dôi dư đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, chưa được bố trí công việc.
"Trước đây, dùng từ dôi dư đôi khi khiến các trường hợp chưa được bố trí công việc, họ buồn. Bởi, nhiều cán bộ làm việc cống hiến cả đời, gần nghỉ hưu nhưng khi sáp nhập hành chính không sắp xếp được, lại xếp vào trường hợp dôi dư. Bí thư phường năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, do sắp xếp hành chính nên phải nghỉ, chứ không phải không làm được việc. Vậy nên, thống nhất là không sử dụng từ dôi dư, mà là chính sách cho cán bộ sau khi sắp xếp", ông Hồ Quốc Dũng cho hay.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, qua nghiên cứu, phương pháp sắp xếp các đơn vị hành chính hiện nay là tối ưu và phù hợp nhất.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất còn trăn trở là việc bố trí số cán bộ chưa thể sắp xếp, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định rất trăn trở việc này. Quan điểm của tỉnh Bình Định đối với các cán bộ, công chức, phải cố gắng sắp xếp lại ở mức tối đa.