Thời gian qua, Bình Định đã tập trung triển khai các biện pháp mạnh, hàng loạt giải pháp cấp bách về khắc phục “thẻ vàng” của EC về chống khai thác IUU. Trong đó, địa phương này đã cơ bản xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Dùng nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc thuỷ sản
Tàu cá BĐ-95526.TS của ngư dân Lê Đại Đức (phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), đánh bắt cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa, được trang bị máy giám sát hành trình và thiết bị nhật ký khai thác thủy sản điện tử.
Khi tàu rời cảng cá Tam Quan, cả 2 thiết bị này được bật hoạt động cho đến khi tàu quay về cảng và hoàn tất thủ tục xác nhận nguồn gốc thủy sản mới được tắt.
"Tháng 10/2023, tôi đầu tư hơn 20 triệu đồng để lắp đặt thiết bị nhật ký khai thác thủy sản điện tử trên tàu cá của mình. Thiết bị này có sử dụng dịch vụ vệ tinh và liên kết điện thoại thông minh thông qua một phần mềm. Nhật ký khai thác thủy sản điện tử cho phép nhập thông tin chi tiết của tàu cá lưu trữ dưới mã số ID gắn với số đăng ký và chủ tàu. Nhật ký này cũng sẽ lưu lại thời gian, địa điểm của chuyến biển tại lúc xuất bến đến lúc quay về bến", ngư dân Lê Đại Đức cho hay.
Theo ngư dân này, nhật ký khai thác thủy sản điện tử đã khắc phục được sai số trong lúc ghi tọa độ tàu đánh bắt ngoài khơi. Nhật ký điện tử chính xác hơn so với việc ghi tay.
“Ghi nhật ký bằng giấy có lúc mình quên ghi thì sẽ lệch từ 1 hải lý đến 2 hải lý. Khi tàu cá về bờ, Ban Quản lý cảng cá sẽ in thông tin từ nhật ký điện tử ra thì tôi thấy nhanh gọn, không có ùn tắc khi xác nhận nguồn gốc thủy sản. Sau đó chủ tàu lấy nhật ký điện tử đã được xác nhận xuống biên phòng và vào Chi cục Thủy sản xác nhận để nhận hỗ trợ nhiên liệu", ngư dân Đức nói.
Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Định triển khai thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử trên một số tàu cá đánh bắt xa bờ. Nhật ký này đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý, theo dõi và giám sát sản lượng khai thác và đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn Đặng Văn Dẫn cho rằng, việc sử dụng nhật ký khai thác thủy sản điện tử giúp cơ quan quản lý nắm được số liệu chính xác sản lượng khai thác của từng tàu và phục vụ cho công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản, thu thập, tổng hợp số liệu kịp thời để báo cáo.
"Ngoài nhật ký giấy thì vận động tuyên truyền cho các chủ tàu, hướng dẫn cho họ tiến tới sử dụng 100% nhật ký khai thác thủy sản điện tử. Nhật ký này phản ánh thực tế vị trí đánh bắt, vị trí thả câu, thu câu, tọa độ không bị sai thì lúc đó mình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản chính xác. Đối với nhật ký giấy, thuyền trưởng nhiều lúc ghi lệch 0,5 độ hoặc 1 độ thì rất là nguy hiểm là nó đi xa cả mấy chục km, thậm chí hàng trăm km", ông Dẫn cho biết.
Tỉnh Bình Định đã phối hợp một số đơn vị triển khai thử nghiệm hệ thống nhật ký khai thác thủy sản điện tử lắp đặt trên tàu cá tại tỉnh này. Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có báo cáo về triển khai thí điểm ứng dụng nhật ký khai thác thủy sản điện tử tàu khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh.
Bước đầu cho thấy, nhật ký khai thác thủy sản điện tử giúp cung cấp dữ liệu chính xác về chuỗi cung ứng, từ khâu khai thác đến tiêu thụ. Nhật ký điện tử cũng đảm bảo thực hiện đồng bộ giữa các bên liên quan tham gia chuỗi cung ứng truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định, truy xuất đầy đủ thông tin phục vụ xuất khẩu nhanh chóng, chính xác, minh bạch, đặc biệt là đến các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao về nguồn gốc.
Tuy nhiên, việc thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử trên tàu cá vẫn còn một số khó khăn. Giá thiết bị hiện nay cung cấp ra thị trường là khá cao, từ 22 - 25 triệu đồng/máy. Một đơn vị cung cấp khác lại chưa có giải pháp về quản lý thiết bị (dùng điện thoại thông minh) nên chưa kiểm soát được tính chính xác của nhật ký khai thác điện tử.
Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, địa phương đang hướng đến việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình có tích hợp nhật ký khai thác thủy sản điện tử. Thí điểm nhật ký khai thác thủy sản điện tử tại tỉnh Bình Định bước đầu đạt tín hiệu với kết quả khá tốt.
"Những thiết bị này riêng lẻ, chúng tôi muốn gắn vào thiết bị giám sát hành trình 2 trong 1 và khi đó việc triển khai nhật ký điện tử này đảm bảo tốt hơn. Chúng tôi muốn có một cơ chế đồng bộ từ Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT để triển khai ở địa phương. Đây là một vấn đề trước mắt giải quyết cho 1.500 tàu khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh Bình Định để thực hiện tốt việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản xuất khẩu sang các thị trường", ông Phúc thông tin.
Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Bình Định đã xử phạt 109 trường hợp tàu cá vi phạm với số tiền hơn 11,3 tỷ đồng. Trong đó, có 70 trường hợp vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình, 37 trường hợp vi phạm một số lỗi khác.
Đặc biệt, Công an tỉnh Bình Định đã tiến hành khởi tố vụ án tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép liên quan 2 tàu cá ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ vi phạm vùng biển nước ngoài bị Thái Lan bắt giữ. Đây vụ việc đầu tiên mà Công an tỉnh Bình Định khởi tố vụ án liên quan đến việc phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo định.
Tỉnh Bình Định có 215 tàu cá chiều dài từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động, xuất bến ở các tỉnh phía Nam. Đây cũng là nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay, đã có 157/215 tàu cá có chiều dài từ 12 mét đến dưới 15 mét lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo yêu cầu của tỉnh Bình Định để tham gia khai thác thủy sản.
Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, nhiều cơ quan tại tỉnh này đang tập trung khắc phục các tồn tại trong thực hiện các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trong đó, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”:
“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các địa phương, sở ngành có liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU. Đến nay đã giải quyết, xử lý cơ bản đối với tàu “3 không”, cấp đăng ký cho 970 tàu, tiếp tục rà soát, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kể cả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tất cả các tàu đủ điều kiện cấp đăng ký thì tỉnh Bình Định đã làm, những tàu nào không đủ điều kiện nữa thì tiến hành xả bản, không cho hoạt động”, ông Phúc cho hay.