Tỉnh Bình Định lên phương án sơ tán hơn 94.000 dân rời khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão Noru đổ bộ.
Còn hơn 4.000ha lúa mùa chưa thu hoạch
Ngày 27/9, 164 hồ chứa ở tỉnh Bình Định đạt dung tích khoảng 30% so dung tích thiết kế, các hồ vận hành quy trình liên hồ chứa đang được điều tiết đưa về mực nước thấp nhất để đón lũ.
Toàn tỉnh Bình Định hiện còn 4.173ha lúa mùa chưa thu hoạch, còn đứng trên đồng và 7.448ha cây trồng cạn chưa thu hoạch.
Hiện khu neo đậu cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tiếp nhận 1.538 tàu cá, cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) tiếp nhận 220 tàu, cảng cá Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn) tiếp nhận 350 tàu. Tổng công suất của 3 cảng cá nói trên là 5.600 tàu.
Đến sáng 27/9, toàn bộ tàu hàng bốc dỡ hàng hóa tại khu vực Cảng Quy Nhơn đã di chuyển vào vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) để tránh trú bão.
Tỉnh Bình Định đã lên kế hoạch sơ tán 18.995 hộ dân với 65.404 người, ưu tiên vùng ven biển để tránh bão. Sơ tán dân vùng ven biển do nguy cơ nước dâng là 7.255 hộ/25.695 người, sơ tán do sạt lở đất 827 hộ/3.274 người.
Bình Định cũng đã huy động 42.249 người tham gia ứng phó bão Noru. Trong đó, lực lượng quân đội có 1.042 chiến sĩ, bộ đội biên phòng 279 chiến sĩ, công an 1.640 chiến sĩ, lực lượng xung kích 8.800 người. Phương tiện tại chỗ huy động 3 xe thiết giáp, 3 xe chữa cháy, 8 tàu các loại, 515 chiếc xuồng, 18 ca nô, 14 xe chuyên dụng phòng chống thiên tai, 379 máy xúc, 918 ô tô tải, 540 xe ben, 214 xe ủi.
Ngoài người dân tự dự trữ lương thực trong 7 ngày, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các công ty dự trữ gần 2,2 triệu gói mì ăn liền, 1.500kg lương khô, gần 150.000 chai nước uống, 274.000 viên Cloramin B, 1.350kg bột Cloramin B.
Tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn công suất lớn ứng trực tại Cảng Quy Nhơn để ứng phó với bão Noru.
Hối hả giúp dân “chạy” bão Noru
Tại tỉnh Bình Định, công tác ứng phó bão được triển khai khẩn trương, quyết liệt.
Các lực lượng vũ trang như bộ đội, bộ đội biên phòng, công an, dân quân, đoàn thanh niên... ở tỉnh Bình Định đã triển khai công tác giúp người dân các xã ven biển sơ tán tàu thuyền, chằng chống nhà cửa để phòng chống bão Noru.
Tại các xã ven biển huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) như Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Đức, có rất nhiều ngư dân cùng các lực lượng chức năng triển khai công tác phòng chống bão.
Ông Nguyễn Văn Mến (ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ Đức) cho biết, nghe thông tin bão Noru có khả năng đổ bộ vào miền Trung với sức gió rất mạnh, ngay từ tối 25/9 gia đình ông đã dừng chuyến biển, đưa thúng vào bờ.
“Lo chằng chống nhà cửa xong, đến chiều thì chúng tôi cùng các anh bộ đội, công an, dân quân tập trung lại đưa thúng, tàu thuyền, ngư lưới cụ lên cao để tránh thiệt hại khi bão Noru đổ bộ”, ông Mến cho hay.
Theo ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, lãnh đạo huyện đã kiểm tra và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai sơ tán dân, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa bảo đảm an toàn trước và trong khi bão xảy ra.
Chính quyền huyện Phù Mỹ sử dụng lực lượng xung kích tại địa phương và lực lượng hỗ trợ từ lực lượng vũ trang, trưng dụng các phương tiện xe cơ giới, ghe xuồng và xe máy của cá nhân... để di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn. Khẩn trương chỉ đạo các xã ký kết hợp đồng với các đại lý cung cấp thực phẩm, nước uống, đảm bảo cung cấp trong 7 ngày. Ngoài ra, các xã chủ động chuẩn bị trước lương thực thực phẩm để đảm bảo cung cấp khi sơ tán dân.
Kiểm tra công tác phòng chống bão Noru tại huyện Phù Mỹ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường giúp người dân ven biển sơ tán tàu thuyền và tài sản, giúp người dân chằng chống nhà cửa và thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của tỉnh.
Kiên quyết không được để người dân tại các khu vực có nguy cơ bị triều cường, xâm thực ở nhà khi có sóng to, bão đổ bộ. Chính quyền và các lực lượng phải kiên quyết bảo vệ tính mạng của người dân.