Ngày 3/2, UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh này, đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, về việc đề nghị bàn giao mặt bằng đất quốc phòng với diện tích hơn 100ha, để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng hàng không Phù Cát.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Định đang tận dụng tất cả thế mạnh để trở thành một trong những tỉnh phát triển nhóm đầu của khu vực miền Trung, tiến tới tự chủ ngân sách sau năm 2035. Trong đó, Cảng Hàng không Phù Cát có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực Nam Trung Bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, sân bay Phù Cát, được quân đội Mỹ xây dựng từ những năm 1960 - 1970.
Từ sau năm 1975, sân bay Phù Cát được sử dụng là căn cứ của Không quân Việt Nam. Sân bay Phù Cát nằm trên địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là căn cứ quân sự quan trọng trong hệ thống phòng thủ bảo vệ Tổ quốc nên tại đây có hoạt động quân sự thường xuyên và phần lớn đất đai, do Bộ Quốc phòng quản lý.
Năm 1985, sân bay Phù Cát bắt đầu khai thác hoạt động hàng không dân dụng và trở thành Cảng Hàng không Phù Cát.
Cảng Hàng không Phù Cát có 1 đường cất hạ cánh bằng bê tông xi măng, hiện nay là tài sản thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng. Sau khoảng 60 năm sử dụng (vượt gần 3 lần tuổi thọ thiết kế), hiện nay hầu hết các tấm bê tông đã bị nứt, nguy cơ phát sinh mảnh vỡ gây mất an toàn khai thác, đồng thời, sức chịu tải thấp dẫn đến chỉ đảm bảo khai thác giảm tải các loại tàu bay như A320/321 và tương đương.
Với tình trạng nêu trên, rất cần thiết phải thực hiện việc đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh này.
Tuy nhiên, do đây là đường cất hạ cánh bằng bê tông xi măng nên để tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp phải đóng cửa Cảng hàng không trong thời gian khá dài, dự kiến từ 10 - 12 tháng, với kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 1.400 tỷ đồng.
“Việc đóng cửa Cảng hàng không Phù Cát sẽ không đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội. Ảnh hưởng lớn đến việc khai thác đường bay dân dụng, trực tiếp là các hoạt động thu hút đầu tư, du lịch... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định”, ông Phạm Anh Tuấn nêu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, do vậy, để phát huy hiệu quả những lợi thế về vị trí và các tiềm năng sẵn có, Cảng hàng không Phù Cát cần được ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, bền vững, xứng đáng với vị thế, vai trò là Cảng hàng không quốc nội có các tuyến bay quốc tế. Là sân bay chính trong hệ thống phòng thủ quốc phòng, là căn cứ quân sự quan trọng trong hệ thống phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo tiền đề, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Bình Định và vùng trọng điểm kinh tế miền Trung - Tây nguyên.
Khi lập Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với Bộ Quốc phòng phương án quy hoạch sử dụng đất tại các Văn bản số 1412/BQP-TM ngày 28/4/2023, 4876/BQP-TM ngày 11/12/2023, trên cơ sở đó Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Quy hoạch Cảng Hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1686/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2023.
Nhằm đảm bảo khai thác hàng không dân dụng an toàn, hiệu quả; đồng thời giữ được đường cất hạ cánh số 1 luôn sẵn sàng phục vụ chiến đấu của các đơn vị quân đội; đường cất hạ cánh số 2 cũng sẵn sàng phục vụ các đơn vị quân đội khi có nhu cầu.
UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đầu tư xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Theo đó, Bộ Quốc phòng cũng đã thống nhất về chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Phù Cát tại Văn bản số 4326/BQP-TM ngày 09/10/2024. Ngày 23/11/2024, Chính phủ đã có Văn bản số 8651/VPCP-CN giao cho UBND tỉnh Bình Định là cơ quan chủ quản đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng hàng không Phù Cát.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đang triển khai các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng để triển khai đầu tư xây dựng dự án Đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng hàng không Phù Cát.
UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân xem xét bàn giao diện tích đất quốc phòng phục vụ xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các hạng mục phụ trợ với tổng diện tích đất đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao, khoảng 109,44 ha.
Trong đó, diện tích đất xây dựng đường cất hạ cánh số 2 khoảng 75,74ha; diện tích đất xây dựng các đường lăn nối khoảng 29,37ha; diện tích đất xây dựng đường công vụ khoảng 4,33ha.