Nhiều người cho rằng việc trang bị thêm một bình chữa cháy mini “to hơn bình xịt muỗi” trên xe là không hiệu quả, không thiết thực. Đồng thời còn đặt ra câu hỏi sẽ ra sao nếu nguyên nhân cháy nổ đến từ bình chữa cháy.
Theo quy định tại Thông tư 57 của Bộ Công an, từ 6/1, ôtô 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột, bình bọt, hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy, bình khí CO2.
Cụ thể, trong Thông tư 57 hướng dẫn về trang bị phương tiện PCCC với ô tô có 4 chỗ ngồi trở lên của Bộ Công an nói rõ: Phương tiện giao thông cơ giới được bộ từ 4 - 9 chỗ ngồi phải có 1 bình cứu hỏa dưới 4kg (bình bột) hoặc dưới 5 lít (bình bọt, nước và khí); từ 10-15 chỗ ngồi phải có 1 bình cứu hỏa từ 4 - 6 kg (bột) hoặc 5 - 9 lít đối với bình bột, khí hay nước. Với ô tô trên 30 chỗ ngồi cần 1 bình cứu hỏa dưới 4 kg và hai bình lớn từ 4 - 6 kg và một số trang bị cứu hộ khác.
Theo phía Cảnh sát PCCC, trước tình trạng nhiều ô tô, xe máy đang đi trên đường bỗng dưng bốc cháy nên việc tìm giải pháp để hạn chế, ứng phó với tình huống nguy hiểm này là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người cho rằng việc trang bị thêm một bình chữa cháy mini “to hơn bình xịt muỗi” trên xe là không hiệu quả, không thiết thực. Đồng thời còn đặt ra câu hỏi sẽ ra sao nếu nguyên nhân cháy nổ đến từ bình chữa cháy?
Thực tế, vào tháng 7/2014, đã có trường hợp chủ xe mua bình chữa cháy mini trong siêu thị để bảo vệ chiếc ô tô BMW tiền tỷ của mình nhưng bình lại phát nổ, phá tan nội thất nên khiến nhiều người càng hoang mang khi “bị ép” một quả bom nổ chậm lên xe.
Trên thị trường hiện đang bán phổ biến có 2 loại bình 1kg và 500ml. Bình 500 ml có ưu điểm là nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ có thể cất giữ ở bất cứ chỗ nào nhưng chỉ dùng được một lần, phần vỏ bình mỏng. Loại bình 1kg có thể nạp lại sau khi sử dụng, vỏ bằng thép chắc chắn hơn. Tuy nhiên, trước mỗi lần nạp mới và sau 5 năm sử dụng, vỏ bình phải được kiểm tra thủy lực.
Nhiều lái xe lo lắng khi có quy định bắt buộc ôtô phải có bình cứu hỏa trên ô tô (ảnh minh hoạ)
Hầu hết các bình cứu hỏa dành cho ôtô đều có khuyến cáo đặt ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50 - 55 độ C. Thế nhưng, thực hiện được qui định này cũng là một bài toán khó, vì vào những ngày trời nắng nóng, nếu đỗ xe ngoài trời, có khi nhiệt độ trong xe ô tô lên tới trên 70 độ C.
Lái xe Xuân Sáng thắc mắc: “Xe tôi luôn để ngoài trời từ 8h sáng đến 5h chiều. Vào ngày trời mùa hè lên đến hơn 40 độ C, tôi vào xe ngồi còn không chịu nổi, như thế bình cứu hỏa có chịu được không?Nếu không chịu được nhỡ xảy ra trường hợp nổ thì ai là người chịu trách nhiệm?".
Một lái xe khác lại đưa ra ý kiến cho rằng; 1 bình chữa cháy nhỏ chẳng làm được gì nếu cháy nổ xảy ra, cái cần thiết là bảo trì bảo dưỡng thường xuyên đúng kì hạn, đổ xăng nơi uy tín, bơm lốp xe vừa đủ, chạy xe đúng luật ... bảo vệ tính mạng là trên hết, chứ không phải đợi cháy nổ mới lo chữa cháy.
"Loại bình chữa cháy mini chỉ có tác dụng với đám cháy nhỏ, mới khởi phát, dạng như xe mới xì khói tại một điểm thì phun ngay. Còn khi đám cháy đã lan rộng, bao trùm xe thì bình chữa cháy mini không phát huy tác dụng. Đối với đám cháy xe ôtô, rất nhiều trường hợp điểm khởi cháy lại nằm ở khu vực động cơ, việc không thể bật được nắp ca-pô ra đã khiến cho bình cứu hỏa (kể cả dạng bình lớn, cỡ 4kg) bị vô hiệu hóa", một độc giả phân tích.
Hiện, trên diễn đàn OtoFun rất nhiều thành viên trên diễn đàn này đang rất lo lắng khi cho rằng việc để bình cứu hỏa trong xe có thể còn nguy hiểm hơn không có. Trước lo sợ trên nên nhiều lái xe đã "chia sẻ" cách đối phó bằng hình thức trang bị bình chữa cháy rỗng, bình không....với suy nghĩ “vừa không lo công an phạt, vừa không bị nổ bình”.
Bên cạnh đó, một số lái xe còn bức xúc và chấp nhận chịu phạt chứ không trang bị bình cứu hoả: “Chưa biết ưu điểm thế nào chứ nhược điểm đó là hàng ngày ta phải đi với 1 quả bom - không biết khi nào nổ. Dù có bị phạt bao nhiêu lần thì tôi cũng nhất quyết không để bình chữa cháy trên xe”.
Khuyến cáo nên đặt bình cứu hoả trên ô tô ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50 - 55oC, cần tránh không đặt bình ở những nơi ánh nắng chiếu trực tiếp như khu vực táp-lô, khay để đồ dưới kính hậu (xe hatchback), cột A... bởi vào mùa hè khi nhiệt độ lên cao (có lúc tới 70 độ C ở trong xe) sẽ làm tăng nguy cơ nổ bình cứu hỏa. Vị trí tốt nhất dành cho chiếc bình cứu hỏa là ở dưới gầm ghế, dưới chân hành khách phía trước; hoặc hốc để đồ trên cánh cửa. Điểm cốt lõi là phải đặt bình chữa cháy ở vị trí gần với người lái để thuận tiện khi có sự cố xảy ra; tuyệt đối không để bình chữa cháy trong tầm tay trẻ nhỏ để tránh bất trắc. |