Biện pháp ngăn nạn “chặt chém” khách du lịch

28/08/2013 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là một đất nước được đánh giá là có nhiều tiềm năng khai thác du lịch, rất nhiều thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng, nhưng nạn “chặt chém” đang từng bước hủy hoại tiềm năng du lịch của ta. Vấn nạn này làm sao để khắc phục?

Ninh Bình cũng là địa phương có tiềm năng du lịch lớn. Ở đây đã phát sinh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà hàng, xuất hiện những “chiêu trò” như móc nối với lái xe, hướng dẫn viên, cò mồi để đưa khách tới nhà hàng để ăn chia hoa hồng. Nhiều nhà hàng đã đã thống nhất chi hoa hồng cho lái xe dẫn khách đến là 30%. Tỷ lệ chia % này không chỉ một nhà hàng Hoàng Long đồng ý mà rất, rất nhiều nhà hàng và ở nhiều nơi “dám” trả cho lái xe để họ đưa khách tới nhà hàng. Như vậy, việc khách hàng phải chịu cảnh “chặt chém” là điều rất dễ hiểu.

 

Làm thế nào để giải quyết vấn nạn này. Rất nhiều ban ngành đã vào cuộc, nhưng kết quả đạt được cũng chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Kinh doanh nhà hàng vẫn bế tắc. 

 

Biện pháp ngăn nạn  “chặt chém” khách du lịch

Lễ khai trương câu lạc bộ Làng ẩm thực dê núi Ninh Bình

 

Vì thế, để tự cứu mình, tất cả các chủ nhà hàng tại Gia Viễn – Ninh Bình đã suy nghĩ đến việc thành lập “Làng ẩm thực dê núi Ninh Bình”. Bởi “chỉ có thành lập làng ẩm thực với những quy định rõ ràng, chặt chẽ. Các nhà hàng trong làng ẩm thực bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc thì mới có thể xoá bỏ được vấn nạn trên”. Các nhà hàng trong làng cam kết thực hiện đúng nội quy “Đảm bảo nguyên liệu đúng và sạch; Niêm yết giá công khai, cùng một giá và chất lượng; không mới tiếp thị, không trả tiền phần trăm và không tặng quà cho lái xe”. Để làm được điều đó làng ẩm thực đã tiến hành thành lập tổ thu gom thực phẩm nhằm cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà hàng trong làng; Mở lớp đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, quản lý cũng như nghiệp vụ bếp, bàn… cho nhân viên nhà hàng; Lập đoàn kiểm tra, niêm yết công khai số điện thoại để du khách kịp thời phản ánh nếu thấy những hiện tượng bất thường xảy ra… 

 

Gia Viễn có khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, suối Kênh Gà, động Vân Trình,chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng... nên rất đông du khách đến tham quan, vì thế xây dựng một môi trường dịch vụ du lịch văn minh là mong mỏi lớn của chính quyền và người dân nơi đây. Do đó các Sở ban ngành của tỉnh Ninh Bình cũng như chính quyền địa phương quan tâm ủng hộ. Bà Dương Thị Thanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Ninh Bình nói: Đây là một điển hình cho mô hình của tỉnh, nếu từ 3 - 6 tháng đạt kết quả thì nhân rộng cho các dịch vụ khác và chúng tôi sẽ làm sơ kết tập huấn du lịch của tỉnh Ninh Bình nói chung và huyện Gia Viễn nói riêng. Còn ông Phan Văn Hà – Chủ tịch Ủy ban xã Gia Sinh thì cho biết: Chúng tôi lập các đoàn thanh tra đến kiểm tra thường xuyên, đôn đốc nhắc nhở phong cách dịch vụ, giá cả, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh, được sự quan tâm của chính quyền chúng tôi sẽ sát sao cho mô hình làng ẩm thực dê núi Ninh Bình phát triển và nhân rộng ra khắp cả nước.

 

Hiện nay, mô hình “Làng ẩm thực dê Núi Ninh Bình” đã bắt đầu đi vào hoạt động. Hi vọng rằng mô hình này sẽ được áp dụng thực sự hiệu quả để có thể nhân rộng tới nhiều khu du lịch khác. Nhằm thu hút đông đảo lượng khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại lợi ích kinh tế cho chính các nhà hàng và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng du lịch…

 

Hà Minh-Văn Bảo

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biện pháp ngăn nạn “chặt chém” khách du lịch