Biên giới – Nơi bắt đầu của Tổ quốc, là vùng đất sinh sống của hàng chục dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trên mỗi nhành cây, tấc đất biên thùy đều hoài chứa trong mình những truyền thuyết, huyền thoại và sử thi mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Lang thang miền phên giậu, ta mới thấy được ý thức bảo vệ, giữ gìn bờ cõi quốc gia của cha ông ta sâu sắc thế nào.
“Chốt canh” nơi biên ải
Theo ước tính, hiện khu vực biên giới quy tụ trên 40 sắc dân với nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau. Dải đất biên cương nước Việt trải mấy nghìn năm đã là nơi nương náu an toàn cho người dân bản địa và các bộ tộc thiên di từ phía Nam lên và từ phương Bắc xuống.
Núi liền núi, sông liền sông, các dân tộc dọc chiều dài biên giới đã chung sống hòa bình, nương tựa vào nhau để tạo dựng làng bản, đồi nương, khắc chế thiên tai địch họa, duy trì giống nòi và truyền thống văn hóa dân tộc. Chính những sắc dân này đã tạo nên những nếp sống và nền văn hóa hết sức đặc thù và đa dạng.
Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) – Vùng đất địa đầu của Tổ quốc, nơi có đỉnh núi Rồng là nơi nương náu bình yên của những người Lô Lô Chải. Nhà dựng sát nhà, mái kề liền mái và những dãy hàng rào đá chạy bao quanh. Theo sử sách ghi lại, vùng đất này từ xa xưa đã được các triều đại phong kiến coi là một trong những vùng đất tiền đồn có vai trò quan trọng ở phía bắc. Tương truyền rằng, Thái úy Lý Thường Kiệt đã có lần hội quân lớn ở đây nhằm biểu dương sức mạnh và ý chí bảo vệ biên cương, bờ cõi.
Bản làng người Lô Lô dưới chân Cột cờ Lũng Cú
Lịch sử cũng đã ghi nhận ở mảnh đất phên giậu của Tổ quốc này, đồng bào các dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Mông, Dao, Giáy trải qua không biết bao nhiêu biến loạn và đã đoàn kết cùng nhau chống lại kẻ thù xâm lược quê hương Việt Nam suốt mấy nghìn năm. Còn hôm nay, trong bóng cờ bay, nỗi nếp nhà như một chốt canh lặng lẽ nơi biên ải. Nhiều con em của đồng bào Lô Lô đã phấn đấu học tập, trở thành những cán bộ mẫn cán, góp phần gìn giữ sự bình yên cho chính quê hương mình.
Không chỉ tự hào là những chủ nhân đầu tiên của vùng đất cực Bắc, người Lô Lô còn là chủ nhân của những chiếc trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn.
Tương truyền rằng, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên cương hiểm trở này một chiếc trống lớn, để khi có giặc thì nổi trống báo hiệu cho quân triều đình đến ứng cứu. Đó không chỉ là hiệu lệnh, là phương tiện thông tin của đội quân Tây Sơn, mà còn như một sự khẳng định chủ quyền của đất nước. Đời này qua đời khác, dân tộc Lô Lô đã góp phần bảo vệ vẹn toàn đất biên cương, bảo vệ vật thiêng dẫu cuộc sống còn nhiều neo khó.
Nếu như người Lô Lô xem trống đồng như báu vật thì người Pu Péo ở Phố Là (Đồng Văn, Hà Giang) lại tự hào với khu rừng thiêng Chúng Chải của mình. “Người Pu Péo còn thì rừng Chúng Chải còn. Rừng Chúng Chải còn thì dân tộc Pu Péo còn”, đồng bào luôn coi những cánh rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi này là máu thịt, đời nọ tiếp đời kia truyền nhau bảo vệ như một sứ mệnh thiêng liêng.
Già làng Củng Diu Suyền (thôn Củng Chá, xã Phố Là, huyện Đồng Văn), kể lại rằng, trước đây, tổ tiên người Pu Péo cùng cụ tổ các dân tộc Hán, Mông, Clao đã thề với nhau ở ngôi miếu trước cửa rừng rằng sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng. Chính vì lời thề ấy mà người Pu Péo ngay từ thủa nhỏ đã được truyền cho ý thức thờ thần rừng. Đến khi giã từ cõi sống, họ cũng nằm lại trong rừng. Rừng thiêng đã là một phần vừa tâm linh, vừa thực tế trong đời sống đồng bào.
Đến nay người Pu Péo đã trải qua ngót 13 đời định cư trên đất Việt (khoảng trên dưới 300 năm). 13 đời người trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. 13 đời người thay nhau bảo vệ để có được cánh rừng thiêng ngút ngàn như ngày hôm nay. Và tín ngưỡng đó đã tạo nên một nền tảng mang tính văn hóa của cộng đồng...
Trang sử chiến đấu bảo vệ Tổ quốc bằng thơ
Là địa bàn định cư lâu đời của 23 dân tộc anh em gồm Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, La Ha, Khơ Mú, Kháng, Xinh Mun, Tày, Nùng, Dao, Mường... song Tây Bắc được coi là thủ phủ, là “vùng đất Tổ” của người Thái với số dân chiếm 51% trên tổng số dân cư.
Hành trình di cư và phát triển của đồng bào Thái trên đất Việt là một câu chuyện dài hơn câu khắp giăng ngang núi. Trong đó, việc xung đột, chống cát cứ để tạo nên một “đế chế” Thái hùng mạnh dưới thời Tạo Ngân (thế kỉ XIV) đã tạo một bước chuyển quan trọng trong xã hội Thái, tạo nên một trong những nền văn hóa đặc sắc và rực rỡ nhất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Đến Mường Lò, sẽ không khó để được người già ở đây kể cho một đoạn sử thi được trích trong các sử thi di sản của dân tộc Thái như “Táy Pú Xấc” (có nghĩa là người Thái đánh giặc) hoặc “Căm Hánh tặp sấc klương” (Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng). Giới nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định, “Táy Pú Xấc” là bộ sử thi lớn ghi lại lịch sử “Chinh chiến” của dân tộc Thái qua 50 đời Tạo từ thời Tạo Lò (con Tạo Ngân) kéo dài đến Kam Nho.
Cặp trống cổ của người Lô Lô
Các sự kiện lịch sử được ghi trong “Táy Pú Xấc” khá chi tiết, ấn tượng nên rất có giá trị về mặt lịch sử cũng như văn hóa xã hội. Theo 50 đời Tạo chinh chiến giữ đất đai của tổ tiên, mở mang lãnh thổ, các thế hệ người Thái đã trải qua nhiều tao loạn, thăng trầm để giữ được thế ổn định cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Được viết theo lối hát “khắp” truyền thống vốn được coi là làn điệu dân ca được dùng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa đời thường và nghi lễ của cộng đồng Thái, “Táy Pú Xấc” cho thấy quá trình thiên di xuống phía Nam của dân tộc Thái đầy gian truân qua hai đợt chính là vào khoảng thế kỉ thứ IX – X và đầu thế kỉ thứ XI. Sau nhiều lần tranh chấp với cư dân bản địa, cũng như chinh phạt xóa đi tình trạng cát cứ, thống nhất được Tây Bắc, họ đã trở thành chủ nhân một vùng đất rộng lớn với đặc điểm “vùng đất ba dải, miền chín lưu vực con sông”.
Nếu “Táy Pú Xấc” đã trở thành một áng hùng thi của ngàn năm thì “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng” lại là câu chuyện của một giai đoạn mà trong đó, người Thái Đen cùng nhân dân các dân tộc Mường Lò là chủ thể khởi nghĩa chống giặc khăn vàng từ phương Bắc xâm lược nước ta dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Cầm Hánh. Là sự thật lịch sử từng diễn ra tại Mường Lò. Người Thái ở đây cũng như đồng bào Thái cả nước đều vô cùng tự hào về trang sử chiến đấu bảo vệ tổ quốc bằng thơ.
Nghệ nhân Lò Văn Biến, bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, là người đã dành nhiều tâm sức để sưu tầm và dịch lại bộ sử thi này từ các nghệ nhân cao tuổi khác để văn bản hóa tác phẩm. Trong đó có đoạn: “Giặc cờ vàng âm mưu xâm chiếm nước ta. Ở Mường Lò có 4 anh em là Cầm Hánh, Cầm Chiêu, Cầm Tú và Cầm Hiệp đứng lên chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc và đã đánh thắng nhiều trận lớn. Quân giặc dùng kế hiểm hạ được thành Viềng Công, Cầm Tám phải mở đường máu rút sang Mường Tấc (Phù Yên - Sơn La) lánh nạn. Cầm Hánh thế cô, bị vây bốn bề đành cho quân sĩ lên các bản người Mông, Dao… lánh nạn, còn ông dùng thanh gươm chiến của mình tự sát để giữ tròn khí tiết. Bởi vậy ngày nay, người Thái, Mông, Dao vẫn coi nhau như anh em ruột thịt. Cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm không thành nhưng đã khơi dậy ý chí đấu tranh quật cường của người Thái và bà con các dân tộc Mường Lò, không chịu làm kiếp ngựa trâu”.
Khí phách cha ông
Tuy dân số chỉ hơn 25 ngàn người, song dân tộc Hà Nhì - “chủ nhân” của vùng đất biên giới cực Tây của Tổ quốc, đã góp thêm một sắc màu văn hóa rực rỡ và giàu giá trị nhân bản trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong kho tàng văn hóa dân gian ấy, truyên thơ dài “Phuỳ ca Na ca” (còn được gọi là Xa Nhà Ca) có thể được xem như là một sử thi đúng nghĩa.
Sẽ không mất quá nhiều thời gian để nghe trọn bộ Há pà “Phuỳ ca Na ca” từ đồng bào Hà Nhì ở vùng biên Tây Bắc. Ra đời giữa bối cảnh xã hội của dân tộc này chưa hình thành giai cấp, có nghĩa bộ sử thi “Phuỳ ca Na ca” có thể đã có từ hơn 500 năm trước, khi người Di (tổ tiên của dân tộc Hà Nhì) ở Tây Tạng bắt đầu chuyến viễn du về phương Nam và kết thúc khi đến vùng đất đầu nguồn Khó Ma, ngày nay thuộc địa phận xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Điều rất lý thú là khi miêu tả về vùng đất mới thuộc cương thổ của nước Đại Việt xưa, sử thi “Phuỳ ca Na ca” chỉ ra rằng, Khó Ma là “nơi có nhiều sản vật” và “uống rượu ngọt không cần phải trộn men, hạt cơm ăn cũng chẳng dùng chày giã” (trích sử thi). Loại cây thần kỳ đó của người Hà Nhì chính là cây báng, móc, cọ… là những loại cây trong lõi có bột, hiện vẫn được người dân dùng để ăn và nấu rượu.
Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn chung tay bảo vệ biên giới
Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu hiện là người duy nhất trong cộng đồng người Hà Nhì ở Việt Nam còn lưu giữ được nguyên vẹn sử thi “Phuỳ ca Na ca”. Ông tự hào nói rằng, dẫu có kết cục bi thảm, song nhiều trường đoạn kể về sự chiến đấu dũng mãnh của người Hà Nhì chống lại người Hán rất hấp dẫn và nhiều lần nhắc đi nhắc lại một mệnh đề như khẳng định quyết tâm giữ đất của người Hà Nhì...
Truyền thống giữ làng, giữ đất, giữ rừng của những người anh em Lô Lô, Pu Péo hay những “Táy Pú Xấc”, “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng”, “Phuỳ ca Na ca”… cùng rất nhiều phong tục tập quán khác của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ mang giá trị lịch sử, văn học trong cộng đồng tộc người mà còn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa dân gian đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Nó còn thể hiện được tinh thần đoàn kết, khí phách cha ông ta trong suốt ngàn năm dựng nước và giữ nước.