Chỉ vì mảnh đất người cha mất đi không để lại di chúc, hai anh em máu mủ ruột rà bỗng trở mặt, chém nhau đến mức thành phế nhân.
Chứng kiến phiên tòa xét xử anh em trong nhà “cốt nhục tương tàn”, những người dự khán không khỏi chua chát cho sự xuống cấp đạo lý…
Phiên tòa xét xử bị cáo Trần Bình Thạnh diễn ra trong bầu không khí căng thẳng giữa những người trong một gia đình. Ngồi dưới hàng ghế bị hại, người anh Trần Bình Toàn luôn tỏ thái độ bức xúc, căm ghét người em tàn bạo. Câu chuyện họ khai trước tòa là một bi kịch đau xót của một gia đình. Ông Trần Bình Tuần có hai người con trai là Thạnh và Toàn. Ông Tuần là nông dân, có mảnh vườn rộng hơn 1.000m2 trồng cây nông nghiệp. Hoa lợi từ khu đất nuôi sống cả một gia đình, đã có lúc gia đình ông Tuần sống vui vẻ, anh em quây quần gắn bó yêu thương... Người anh Trần Bình Toàn trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng. Người em Trần Bình Thạnh sống chung với cha già, trong thâm tâm, Thạnh suy nghĩ mình sống tại đất này, làm ăn chăm lo phụng dưỡng cha già thì mình sẽ được hưởng đất cát.
Cho đến một ngày ông Tuần qua đời không để lại di chúc. Mọi sự tranh giành sứt mẻ tình anh em cũng bắt nguồn từ quyền sử dụng khu đất của ông bố. Thạnh nghĩ bản thân là con út, đang sử dụng đất ổn định nên muốn giữ lại khu này làm đất hương hỏa thờ cúng ông bà. Riêng Toàn lại cho rằng đất đai bố để lại nên chia hai phần theo đúng pháp luật thừa kế. Sự mâu thuẫn nảy sinh khi cả hai không ai nhịn ai. Nội bộ gia tộc ông Tuần có đứng ra khuyên giải nhưng không thành do hai người đều nóng tính. Chính lẽ đó mà tần suất đánh, chửi nhau giữa anh em họ cũng tăng lên. Nhiều lần anh em Toàn bị Công an triệu tập xử phạt vì hành vi gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, họ vẫn không tỉnh ngộ, mâu thuẫn giữa hai anh em đã lên đến cao trào chực chờ bùng nổ.
Thạnh khai trước tòa: Sáng hôm đó, Thạnh đang ngồi trong nhà chợt thấy máy cày tiến về khu đất. Tìm hiểu mới biết máy cày do anh trai điều đến để ủi lại khu đất để phân chia. Thạnh ra hỏi thì Toàn nói: “Tao là anh, tao lấy phần ngoài, mày lấy phần trong, vậy là công bằng”. Thạnh tức giận xông vào đánh. Anh đánh trả, hai anh em xà quần với nhau. Bất ngờ Thạnh chụp được con dao nhằm người anh chém tới. Hậu quả là vết thương trên vùng đầu khiến Toàn bị thương nặng. Đến khi bị bắt vì tội “Giết người”, Thạnh mới bàng hoàng, không ngờ vì miếng đất vô tri đã khiến cho tình cảm anh em tan nát, bản thân Thạnh phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ngày Thạnh tra tay vào còng, gia đình bị cáo cùng quẫn, hai đứa con phải nghỉ học để bán vé số vì không có tiền đóng học phí, tương lai thật mù mịt. Ngẫm lại, Thạnh thấy bản thân đã sai lầm, cái nếu giành được cũng chỉ vài trăm mét vuông đất, còn cái mất đi thì quá to lớn, đó là tự do và hạnh phúc con cái, điều này không thể dùng đại lượng nào để cân, đong, đo, đếm được.
Thạnh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, nhận mức án 8 năm tù và bị buộc bồi thường tiền trách nhiệm dân sự, tổn thương cho anh trai. Một người dự khán là người trong gia tộc chua xót: “Đất lên giá thì tình cảm lại bị hạ thấp. Cái lợi trước mắt làm con người ta mờ mắt. Hậu quả vụ án sẽ còn kéo dài đến đời sau, con cháu họ không nhìn mặt nhau. Đau lòng cho ông Tuần khuất núi mà không được yên”. Qua vụ án mới thấy tuy “tấc đất là tấc vàng” nhưng có những điều còn cao quý hơn, đó là tình nghĩa ruột rà. Những ai là anh chị em đang có tranh chấp với người thân xin hãy ngẫm thật kỹ, hãy cùng nhớ về những ngày khôn lớn cùng nhau trong một tổ ấm, nghĩ đến dòng máu huyết thống, nghĩ về sự mất mát từ vụ án trên để nhường nhịn và hướng tới cách giải quyết trọn nghĩa, vẹn tình...
An Dương