Ngày 30/10, thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, vừa cứu sống bệnh nhân Đỗ Đình M. (14 tuổi), trú tại thị xã Quảng Yên do bị rắn cạp nia cắn và tiên lượng xấu.
Theo lời kể của người nhà, trước đó 1 tuần bệnh nhi cùng một số bạn trong xóm đi soi cóc, không may bị một con rắn cắn vào ngón tay của bàn tay phải. Về tới nhà, cháu thấy đau, tê các ngón tay và lan ra bàn tay.
Gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện huyện để sơ cứu và được chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu trong tình trạng nhịp tim nhanh, liệt cơ hô hấp, suy hô hấp nặng. Sau khi tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc do rắn cạp nia cắn, tiên lượng rất nặng.
Tình trạng sức khỏe của bệnh nhi rất nguy kịch sau khi bị rắn cạp nia cắn. Ảnh: BVCC
Trước tình thế nguy kịch, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực, cho bệnh nhân thở máy... Sau 1 tuần điều trị, hiện tại cháu M. đã có nhịp tự thở và có thể giao tiếp với gia đình thông qua cử động bàn tay.
Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Trưởng khoa Nhi, các trường hợp người bệnh bị rắn độc cắn sẽ có hai biểu hiện chính. Một là liệt cơ, hai là rối loạn đông máu. Trong đó, hầu hết trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ liệt cơ, dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân, khi bị rắn cắn mà đặc biệt là rắn độc cắn hoặc phát hiện người bị rắn độc cắn, cần nhanh chóng sơ cứu: rửa sạch vết rắn cắn và chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Tuyệt đối không sử dụng các biện pháp như: Cố gắng hút nọc độc của rắn; trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn, chườm đá, hay sử dụng bất cứ loại thuốc dân gian, cổ truyền nào. Bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh, thậm chí còn khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.