Khi đi mua sắm hay đi chơi không ít lần bố mẹ phải "đối phó" khi con khóc lóc ăn vạ đòi mua đồ chơi hay làm gì mình thích. Vậy cách xử lý tốt nhất trong những trường hợp này là gì?
Thông thường nhiều bậc bố mẹ sẽ có xu hướng: Một là sẽ quát mắng, bắt ép trẻ đi về mà không mua. Điều này sẽ tạo cho trẻ sự ấm ức, không hài lòng, gây ra tâm lý khó chịu cho trẻ. Hai là sẽ chiều theo ý thích của trẻ dù đó là sản phẩm không nằm trong danh sách mua sắm. Điều này sẽ tạo cho trẻ sự vòi vĩnh “muốn là được”.
Ở tuổi mầm non thậm chí khi lớn hơn nữa, khi đòi hỏi và mong muốn được đáp ứng, trẻ không biết thuyết phục bố mẹ như thế nào ngoài việc khóc lóc, giãy giụa. Khi trẻ khóc nơi công cộng, bố mẹ ngại người khác nhìn vào nên dễ dàng thỏa hiệp với trẻ. Vì thế, nếu sau vài lần vòi vĩnh mà được đáp ứng, sẽ trở thành một phản xạ có điều kiện và cứ lặp lại, mức độ ngày càng cao hơn. Có những trẻ ban đầu chỉ khóc lóc, về sau trẻ có thể la hét, gào khóc, lăn ra "ăn vạ".
Khi đó, những câu nói như “Mẹ hết tiền rồi”, “Mẹ đã mua cho con rất nhiều thứ rồi còn gì!”, “Ở nhà con có rồi mà”, "Đừng khóc nữa, con có im ngay đi không” sẽ không có hiệu quả với trẻ, vì lúc trẻ đang đòi hỏi, sẽ không tiếp thu những ý kiến trái ngược mong muốn của mình.
Do đó ngay từ khi trẻ bước vào giai đoạn thích thể hiện bản thân và thích vòi vĩnh, cha mẹ cần phải cùng thống nhất cách xử lý ngay từ lần đầu tiên bé có hành động này. Nếu để trẻ lặp lại nhiều lần mới bắt đầu thì sẽ khó khăn hơn nhiều. Điều quan trọng là mẹ cần có sự “cứng rắn nhưng kiên nhẫn”.
Sau đây là những cách áp dụng cụ thể cho các mẹ:
Hãy thử phớt lờ, giả vờ như không nghe thấy việc trẻ đòi hỏi vô lý. Khi phát tín hiệu mà không nhận được sự quan tâm từ cha mẹ, trẻ vẫn sẽ khóc, nhưng sẽ nhanh chán và biết cách chấm dứt tình trạng đòi hỏi. Bên cạnh đó bạn hãy hướng sự chú ý vào cái khác thú vị hơn như: cho con ngồi lên xe đẩy trong siêu thị và vui đùa cùng bé hoặc đưa cho con một món đồ mang theo trong người mà bình thường bé rất thích.
Nếu trẻ vẫn tiếp tục khóc, bố mẹ nên quan tâm đến cảm xúc mong muốn của con, như “Món đồ chơi này đẹp đấy”, “Nó có vẻ hợp với con”. Sau đó hãy giải thích cho con lý do tại sao con không nên mua bây giờ. Mẹ có thể nói với trẻ “chúng ta nên dành một ít tiền mua thêm đồ ăn cho cả nhà nhé” hay “mẹ sẽ mua thêm bột và trái cây để làm bánh cho con vào cuối tuần này”. Khi trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và có quyền lợi trong những đề xuất của mẹ, trẻ sẽ “suy nghĩ” và có thể sẽ bỏ qua đòi hỏi.
Khi trẻ không thể nín vẫn tiếp tục ăn vạ, khóc lóc, hãy ngừng đi mua đồ, và bế trẻ ra ngoài một lát cho đến khi trẻ ngừng khóc hoàn toàn. Trong thời gian đó, để trẻ khóc một mình tránh quát mắng, hay dạy dỗ trẻ. Khi đã nín khóc, bố mẹ bắt đầu nói chuyện lại với con và nếu con đồng ý thực hiện thì mới quay lại siêu thị tiếp tục mua đồ. Sau vài lần, trẻ sẽ học được bài học không phải cái gì trẻ muốn là cũng có thể có ngay được.
Một bí quyết khá hay khi vừa tạo một thói quen tốt cho cả mẹ và bé khi đi mua sắm đó là việc bạn hãy lên danh sách và thỏa thuận với con những thứ cần mua ra một tờ giấy. Thông báo với trẻ trước khi đi một cách rõ ràng bạn định mua gì và sẽ không mua gì. Ví dụ “hai mẹ con mình sẽ đi siêu thị mua thực phẩm bây giờ nhé”. Nếu trong lúc đi siêu thị, con vòi vĩnh đòi mua bánh kẹo hay đồ chơi thì hãy nhắc lại lời giao kèo của hai mẹ con trước khi đi.
Đừng quá ép buộc hoặc mắng con ngay mà hãy cho con lý do thuyết phục. Chỉ cần một cách ứng xử nhẹ nhàng, khéo léo thì tình huống trên không còn là khó với các cha mẹ nữa.