Dạy trẻ đánh vần là một nhiệm vụ không dễ nhưng lại rất quan trọng và bố mẹ chính là người thầy đầu tiên đóng vai trò quan trọng nhất giúp bé làm quen với nhiệm vụ này.
Xác định thời điểm dạy con đánh vần
Giai đoạn từ 0 – 5 tuổi là quãng thời gian để con phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần và cũng là lúc bé hình thành những thói quen của bản thân. Do vậy, khi bé vừa tròn 5 tuổi là bạn đã có thể dạy bé làm quen với bảng chữ cái và học đánh vần rồi đấy. Dạy bé quá sớm hay quá trễ đều không tốt, đặc biệt khi dạy bé đánh vần để phát huy hiệu quả và đảm bảo bé tiếp thu tốt cần tiến hành vào những thời điểm đảm bảo bé đã được ăn no và không bị chi phối bởi những trò chơi, những chương trình thiếu nhi giải trí hoặc bị cơn buồn ngủ quấy rối.
Tạo cho bé hứng thú khi học đánh vần
Đây là điểm nhấn quan trọng nhất trong cách dạy trẻ đánh vần tại nhà. Bởi có hứng thú, có niềm vui thì chắc chắn bé sẽ tiếp thu, học hỏi nhanh hơn, hiệu quả hơn, nhớ lâu hơn và vận dụng thông minh hơn rất nhiều. Hãy tạo hứng thú cho trẻ khi học đánh vần bằng những bảng chữ cái có hình ngộ nghĩnh, dễ thương hoặc mở cho bé xem chương trình dạy chữ cái, dạy đánh vần trên ti vi. Đặc biệt, không quên khen ngợi bé mỗi khi bé tiếp thu nhanh, học tốt nhé, trẻ em vốn rất thích được khen, được nịnh đấy.
Dạy con bằng cách chơi trốn tìm
Trò chơi có thể trẻ sẽ thích nếu trẻ là có tính thích khám phá. Bạn có thể làm một số bức tranh nhỏ về một đồ dùng hay con vật nào đó, giấu chúng ở khắp nhà, sau đó đưa trẻ một số hướng dẫn để tìm ra nó. Với mỗi bức tranh trẻ tìm được, hãy hỏi trẻ cách đánh vần từ đó. Nếu trẻ tìm thấy và đánh vần đúng hơn một nửa số yêu cầu thì hãy dành cho trẻ những lời khen ngợi và sự chiến thắng.
Nhìn và viết lại
Đây là một cách tốt để trẻ học đánh vần nhanh. Bố mẹ có thể khiến việc học này trở nên vui vẻ hơn bằng một số trò chơi để trẻ hào hứng tham gia. Viết một từ lên giấy nhưng thiếu một số chữ cái nào đó, nhiệm vụ của trẻ là tìm ra từ thiếu và viết vào. Sau khi có một từ hoàn chỉnh, hãy giải thích cho trẻ nghĩa và cách dùng của từ đó, lấy ví dụ cho trẻ hiểu và yêu cầu trẻ áp dụng trong một hoàn cảnh khác.
Tận dụng mọi thứ trong gia đình
Đừng chỉ sử dụng giấy và bút, bạn có thể tận dụng mọi thứ trong nhà để dạy trẻ đánh vần, từ cái bàn, ghế, gối ngủ hay con thú bông của trẻ. Hãy cho trẻ viết bằng mọi thứ như sơn, màu vẽ, chì màu,… để trẻ thấy những chữ cái không còn đơn điệu.
Chạy đua với thời gian
Nếu trẻ yêu thích sự thử thách thì bạn có thể sử dụng một chiếc đồng hồ bấm giờ. Cho trẻ 5 từ và khoảng 1 phút để biết những từ ấy phát âm như thế nào, ghi âm lại rồi cùng kiểm tra xem trẻ làm đúng hay chưa. Những trò chơi có giới hạn thời gian thường tạo sự căng thẳng nhất định, vì thế hãy làm cho trẻ cảm thấy thoải mái và thư giãn khi tham gia trò chơi.
Cần kiên nhẫn khi dạy trẻ đánh vần
Bạn muốn con bạn nhanh chóng đánh vần thành thạo để còn tiếp thu những kiến thức khác? Bạn muốn bé phải tập trung để tiếp thu hiệu quả? Đây hoàn toàn là những mong muốn đúng đắn nhưng hầu hết các bé yêu còn nhỏ và rất mải chơi, bạn không thể tạo áp lực buộc trẻ suốt ngày phải học đánh vần như một nhiệm vụ được. Mọi áp lực bạn tạo ra chỉ khiến bé yêu sợ học hơn mà thôi. Tốt nhất hãy giúp bé vừa học vừa chơi và kiên nhẫn dạy bé từng ít một để bé dễ tiếp thu, ghi nhớ tốt hơn nhé và đừng quên dạy bé nhớ mặt hết bảng chữ cái, dấu câu trước khi học đánh vần.
Bố mẹ cần noi gương để dạy trẻ đánh vần hiệu quả
Trẻ em thường có thói quen học theo người lớn, do đó nếu muốn dạy trẻ đánh vần hiệu quả bố mẹ cần thường xuyên đọc sách, đọc tài liệu để các bé yêu nhìn vào là muốn cầm sách đọc theo ngay, đây chính là cách khơi gợi hứng thú và sở thích học đánh vần, yêu thích đọc sách của các bé yêu ngay từ nhỏ mà bố mẹ cần lưu ý.