Ngay sau khi trẻ mọc răng, bố mẹ đã có thể đánh răng cho bé, và dạy bé cách đánh răng khi trẻ được hơn 1 tuổi. Nhưng không phải ai cũng có thể làm việc đó một cách dễ dàng. Vậy hãy cùng tham khảo những bí quyết sau để dạy con tự đánh răng.
Hãy bắt đầu đánh răng cho con ngay từ khi bé vừa mới mọc răng vào khoảng 6 tháng tuổi. Bố mẹ hãy làm sạch răng của con bằng một miếng vải mềm và ẩm hoặc một chiếc bàn chải nhỏ nhúng nước. Bạn cũng có thể sử dụng gạc rơ lưỡi, bán ở nhiều hiệu thuốc để làm sạch răng, lợi cho con.
Lặp lại quá trình này 2 lần một ngày, một lần vào buổi sáng và một lần trước khi con đi ngủ. Khi bố mẹ lặp lại lịch như vậy một cách thường xuyên sẽ tạo cho bé một thói quen phản xạ khiến chúng cảm thấy thích thú với công việc đánh răng hằng ngày.
Tạo thói quen cho trẻ đánh răng qua ba giai đoạn
- Trước thời điểm bé mọc răng: Sử dụng vải hoặc gạc sạch chà nướu cho bé ngay sau khi ăn. Việc làm này giúp bé thích nghi với việc nướu bị kích thích giống như khi đánh răng sau này.
- Khi trẻ đã mọc răng: thường khi bé đã có từ 5-8 răng, bố mẹ có thể dùng bàn chải nhỏ, lông mềm chà nhẹ lên phần nướu răng cho trẻ hàng ngày sau khi ăn. Lúc này bé đã quen với các kích thích về nướu nên sẽ dễ dàng hơn với bố mẹ trong việc làm sạch răng miệng cho bé.
- Trẻ từ 3 tuổi: Sử dụng bàn chải đánh răng và kem đánh răng để làm sạch răng cho trẻ. Nhắc trẻ đánh răng hàng ngày và vào thời điểm cố định. Ví dụ sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Nhắc khéo cho trẻ nhớ nếu trẻ mải chơi.
Chọn kem và bàn chải đánh răng
Việc đầu tiên trong “công cuộc” dạy con đánh răng mà mẹ cần làm là chọn mua bàn chải và kem đánh răng. Nếu có thể được, khi đi mua những đồ này, các mẹ hãy cho con đi cùng. Trước và trong khi đi hãy trò chuyện với con. Nói với con rằng: Hôm nay, mẹ sẽ đi mua kem và bàn chải đánh răng cho con. Làm những thao tác mô phỏng việc đánh răng của bạn giúp con có thể hình dung dễ dàng thế nào là đánh răng?
Sau đó, hãy chọn những loại bàn chải có đầu nhỏ và lông bàn chải mềm; chọn một số bàn chải đạt tiêu chuẩn với các hình thù ngộ nghĩnh khác nhau rồi cho con tự chọn một trong số các bàn chải ấy để con có thể vui và thoải mái nhất khi đi mua bàn chải cùng mẹ. Bạn hãy chọn loại kem đánh răng có thể nuốt được phù hợp nhất với lứa tuổi của con. Mục đích là làm sao giới thiệu và cho con làm quen dần với việc đánh răng trong một tâm thế vui vẻ và thoải mái nhất có thể.
Từ tập xúc miệng
Các bé thường có thói quen là nước vào miệng thì sẽ nuốt ngay chứ không nhổ ra, nói chi đến việc biết xúc miệng. Rất nhiều bà mẹ than phiền rằng, bé dù đã chịu đánh răng nhưng cứ đến đoạn xúc miệng là lại nuốt “cái ực” chứ nhất quyết không chịu nhổ kem đánh răng ra. Dù rằng, mẹ đã chọn loại kem đánh răng có thể nuốt được.
Khi dạy con đánh răng, mẹ nên đánh răng mẫu cho con xem, tức là mẹ đánh răng cho con nhìn một vài lần, từ việc đưa bản chải đi lại trên răng đến khi xúc miệng. Mỗi một động tác mẹ nên làm sao cho thật ấn tượng. Ví dụ như động tác nhe răng ra để chuẩn bị đánh: Mẹ vừa làm vừa trêu đùa để con buồn cười và thấy việc đó giống như một trò chơi. Khi mẹ chải răng, kem đánh răng sẽ có bọt, lúc này, mẹ cũng hãy làm một vài động tác gây cười khiến con cảm thấy thoải mái như là việc há miệng ra và tiến gần sát vào mặt con rồi oà một cái. Con hẳn sẽ cười rất khoái chí vì việc này đấy.
Sau đó, mẹ nhổ kem đánh răng ra. Hãy nhổ trúng một cái gì đó: như chậu, con kiến dưới sàn hoặc một thứ đồ chơi nào đó. Cứ làm đi làm lại động tác đó một vài lần giống như là bạn đang chơi một trò chơi cho đến khi con có thể nhìn rõ và cũng muốn làm theo.
Kiên nhẫn với trẻ
- Không bắt ép trẻ trong giai đoạn đầu mà chỉ nên khuyến khích và làm gương cho bé học theo.
- Cố gắng tạo thói quen đánh răng cho trẻ theo cách nhẹ nhàng. Nếu trẻ có ý chống đối, phản ứng mạnh như khóc lóc, vùng vẫy thì nên dừng lại và thực hiện theo cách khác như cho bé xem phim, các đoạn clip về việc đánh răng, hay rủ một bé lớn hơn đến đánh răng cùng bé mỗi buổi sáng, sau đó bố mẹ làm cùng bé vào mỗi tối.
- Đây là một công việc tốn nhiều sức lực của bạn và thực sự là một thử thách về sự kiên nhẫn. Những bé thông minh khi chống đối lại mẹ cũng thường quan sát thái độ của bạn và vì thế hãy kiên định.