Sau khi bị Cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt nồng độ cồn, nam tài xế liền gọi điện thoại cho nhóm bạn nhậu đề nghị chia tiền phạt.
Tối 9/3, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - trật tự Công an quận 11, TP.HCM tổ chức đi tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Theo đó, vào khoảng 21 giờ cùng ngày, tổ công tác phát hiện nam thanh niên điều khiển xe máy trong một con hẻm trên địa bàn phường 5, quận 11 có biểu hiện không tỉnh táo nên tiếp cận kiểm tra. Nam thanh niên này có mùi bia nồng nặc.
Sau đó, CSGT đã lái xe chở người này về trụ sở Công an phường 5 kiểm tra nồng độ cồn.
Tuy nhiên, vừa đến cổng trụ sở Công an, nam tài xế nhảy xuống xe bỏ chạy bộ hướng về vòng xoay Hòa Bình. Các chiến sĩ liền lái xe chuyên dụng đuổi theo, đưa tài xế về lại trụ sở Công an để kiểm tra.
Nam tài xế được xác định tên P.T.N. (SN 1989). Anh N. có nồng độ cồn mức 0,564mg/lít khí thở. Với lỗi vi phạm này, anh N. bị CSGT lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.
Anh N. cho biết, tối cùng ngày tổ chức sinh nhật tại một quán nhậu trong hẻm trên đường Tống Văn Trân với khoảng 10 người bạn. Tan tiệc, một người bạn say xỉn đón taxi về khách sạn ngủ, nhờ anh lái xe máy về giúp.
“Tôi sợ CSGT phạt nên cố tình chạy hẻm chứ không dám ra đường lớn, ai ngờ mấy ảnh vào hẻm bắt luôn. Tôi quá bất ngờ. Tôi bỏ chạy vì không muốn bị kiểm tra nồng độ cồn. Xe này là của bạn, nếu tôi chạy thoát thì coi như xong chuyện”, anh N. nói.
Nói xong, anh cầm điện thoại gọi cho nhóm bạn yêu cầu chia tiền phạt. "Đã là anh em, ăn nhậu chung thì phải có trách nhiệm với nhau. Tiền phạt chia đều, tôi chịu thiệt thòi hơn là giam bằng lái xe gần 2 năm", anh N. nói.
Khoảng 30 phút sau, CSGT tiếp tục kiểm tra nồng độ cồn với ông T.K.H. (SN 1976), ngụ quận 11, làm nghề tài xế xe ôm công nghệ. Ông H. có nồng độ cồn dưới 0,25mg/lít khí thở, bị lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng.
Trong đêm, CSGT cũng lập biên bản xử phạt nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn khác.
Mục đích việc kiểm tra nồng độ cồn nhằm kéo giảm tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu bia, chất kích thích; đồng thời, nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành nghiêm luật an toàn giao thông, qua đó bảo vệ bản thân và những người xung quanh.