Sau nhiều lần đến UBND xã Ngọc Tảo (Phúc Thọ, TP Hà Nội) đăng ký khai sinh cho con, gia đình anh Nguyễn Văn Thiêm đều bị từ chối. Sự việc đã kéo dài gần 2 năm, đến nay cháu N.T.A (SN 2020) vẫn không được đăng ký khai sinh dù kết luận ADN khẳng định cháu có quan hệ huyết thống với anh Nguyễn Văn Thiêm.
Gian nan làm đăng ký khai sinh
Năm 2018, qua mai mối, anh Nguyễn Văn Thiêm (SN 1993, quê ở xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) quen và nảy sinh tình cảm với chị Bùi Thị Dựng (SN 1990, quê ở xã Định Cư, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Sau một thời gian tìm hiểu, cả hai sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.
Hai năm sau, chị Dựng sinh hạ được một bé trai đặt tên là N.T.A (sinh ngày 19/5/2020) tại bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ. Khoảng tháng 3/2021, cuộc sống ổn định hơn, anh Thiềm và chị Dựng mới ra UBND xã Ngọc Tảo để đăng ký kết hôn.
Khi chính thức là vợ chồng, anh chị tiến hành làm đăng ký khai sinh cho cháu N.T.A. Tuy nhiên, do cháu N.T.A sinh trước khi 2 vợ chồng làm thủ tục đăng ký kết hôn nên việc đăng ký khai sinh gặp nhiều khó khăn.
Theo tìm hiểu, trước đó, vào năm 2014, anh Thiêm lấy vợ cùng làng và có một người con chung. Sau khi sinh con, cuộc sống của hai vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn đến mức không thể hàn gắn. Cả hai sống ly thân, sau đó một thời gian anh Thiềm gửi đơn yêu cầu ly hôn.
Ngày 13/1/2021, TAND huyện Phúc Thọ mở phiên tòa về việc tranh chấp ly hôn. Bản án số 02/2021/HNGĐ-ST chấp nhận đơn khởi kiện về việc yêu cầu ly hôn của anh Nguyễn Văn Thiềm được ly hôn với vợ là chị T.T.G. Về con chung, Tòa án quyết định giao cháu N.K.L (SN 2016) cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.
Trong khi đó, chị Bùi Thị Dựng cũng đã trải qua một đời chồng và có một người con chung. Cụ thể, năm 2011, chị Dựng kết hôn với anh B.V.T. (SN 1988 người cùng huyện). Một năm sau, chị Dựng sinh con trai là cháu B.H.H (SN 2012). Sinh con được vài năm, hai vợ chồng bất đồng quan điểm, mâu thuẫn thường xuyên, sống ly thân từ năm 2018 cho đến khi có quyết định ly hôn.
Quá trình thụ lý, TAND huyện Lạc Sơn mở phiên tòa xét xử vụ án án tranh chấp hôn nhân và gia đình. Tại biên bản xác minh ngày 27/4/2020 của TAND huyện Lạc Sơn với chính quyền địa phương nơi cư trú của anh B.V.T và chị Bùi Thị Dựng xác định trong quá trình chung sống, anh Tứ và chị Dựng có 01 con chung là cháu B.H.H (SN 2012), hiện chị Dựng đang trực tiếp nuôi dưỡng. Về tài sản chung, công nợ chung cả hai đều không có và không tranh chấp nên không đề cập giải quyết trong vụ án.
Bản án số 13/2020/HNGĐ-ST ngày 12/6/2020 của TAND huyện Lạc Sơn đã quyết định chị Bùi Thị Dựng được ly hôn với anh B.V.T. Đồng thời giao con chung là cháu B.H.H cho chị Dựng trực tiếp trông nom, chăm sóc nuôi dưỡng.
Hiện nay, anh Nguyễn Văn Thiêm và chị Bùi Thị Dựng đã chính thức là vợ chồng, có đăng ký kết hôn, thế nhưng việc đăng ký khai sinh cho bé N.T.A lại vô cùng gian nan.
Chị Dựng cho biết: “Ban đầu cán bộ xã yêu cầu phải có xét nghiệm ADN để xác định huyết thống mới tiến hành làm khai sinh cho cháu. Sau đó, xã giới thiệu người đến trực tiếp gia đình tôi để lấy mẫu giám định. Tổng chi phí xét nghiệm ADN hết hơn 6 triệu đồng, gia đình đã thực hiện theo yêu cầu của xã, nhưng khi có kết luận khẳng định cháu N.T.A có quan hệ huyết thống với bố cháu là Nguyễn Văn Thiềm thì xã vẫn không làm.”
Nhiều lần khác, gia đình đến UBND xã đăng ký khai sinh cho con đều bị từ chối. Lúc này, cán bộ xã lại đòi hỏi phải có xác nhận của Tòa án huyện Lạc Sơn về việc cháu N.T.A không phải là con của anh B.V.T. mới giải quyết. 5 lần 7 lượt ra xã đăng ký khai sinh cho con đều không được, gia đình anh Thiêm có đơn gửi lãnh đạo xã Ngọc Tảo và đề nghị trả lời bằng văn bản, tuy nhiên UBND xã không trả lời.
“Gia đình tôi vô cùng bức xúc trước những đòi hỏi vô lý máy móc của UBND xã, bởi lẽ bản án của TAND Lạc Sơn đã khẳng định tôi và chồng cũ có 1 con chung là cháu B.H.H. Việc xã không trả lời bằng văn bản rồi làm khó công dân trong thủ tục đăng ký khai sinh ảnh hưởng rất lớn đến việc học hành của con tôi sau này”, Chị Dựng bày tỏ.
Yêu cầu máy móc, chưa hiểu đúng tinh thần pháp luật
Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ThS.LS Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm: Khoản 4 điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP ban hành ngày 28/5/2020 quy định: Con do người vợ có thai và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung thì Toà án nhân dân xác định theo quy định của pháp luật. UBND xã Ngọc Tảo đã căn cứ vào quy định này để yêu cầu gia đình chị anh Thiêm, chị Dựng liên hệ với Toà án.
Tuy nhiên, yêu cầu này của UBND xã Ngọc Tảo là máy móc và chưa hiểu đúng tinh thần của pháp luật. Bởi khi chị Dựng nộp đơn lên Toà án yêu cầu xin ly hôn, Tòa án đã xác minh cùng chính quyền địa phương xác định cả hai chỉ có một con chung là B.H.H. Toà án huyện Lạc Sơn đã ra phán quyết công nhận điều đó.
“Như vậy, bản án công nhận ly hôn của Toà án Lạc Sơn mặc dù không nhắc đến tên cháu N.T.A nhưng về bản chất, mọi người đều hiểu, cháu N.T.A không được anh T. thừa nhận là con chung, việc này Toà đã có phán quyết. Do đó, việc yêu cầu gia đình chị Dựng phải đi xin ý kiến của Toà án một lần nữa về vấn đề này là thủ tục không cần thiết, máy móc, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân. Bản án ly hôn của chị Dựng với anh Tứ và giấy giám định ADN của cháu An là đủ căn cứ để giải quyết hai thủ tục hành chính đăng ký khai sinh và thủ tục nhận cha cho con theo quy định tại điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP ban hành ngày 28/5/2020”, luật sư Trang nêu ý kiến.