Con trai bị sát hại, ba người đã bị ra tòa và kết tội nhưng ông Xuân vẫn tin rằng, người bị tuyên tội Giết người trong vụ án này không phải là kẻ đã Giết con trai mình. Do đó, ba lần bảy lượt, ông viết đơn cứu xét, kêu oan cho bị cáo.
Bi kịch
Anh Trần Văn Phát trước đây từng có vợ con. Tuy nhiên, quan điểm sống của hai người không giống nhau nên thường xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Nhiều lần cố níu kéo hạnh phúc nhưng cả hai đều bất lực. Cuối cùng, họ ra tòa ly dị. Anh Phát chấp thuận cho vợ nuôi con.
Cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, anh Phát chán nản, buồn bã suốt một thời gian dài. Sau đó, anh gặp chị Mai Thị Cẩm Lệ. Chị Lệ cũng đã từng qua một đời chồng, có con riêng. Hai tâm hồn đồng cảm dẫn họ đến với nhau bằng buổi lễ ra mắt hai bên gia đình đơn sơ, ấm cúng. Ai cũng mừng cho kết thúc có hậu của hai người. Tuy nhiên, do bản tính anh Phát hay ghen tuông vô cớ đã khiến hai vợ chồng luôn cãi vã dẫn đến bi kịch xảy ra.
Hai bị cáo Tâm và Phong trong phiên tòa phúc thẩm
Theo hồ sơ vụ án, ngày 18/4/2010, trong lúc cãi nhau, anh Phát dùng tay tát vào mặt chị Lệ. Do trên tay anh Phát có đeo chiếc nhẫn nên làm rách da mặt vợ. Sau đó, anh Phát chở chị Lệ đi khâu vết thương tại bệnh viện. Nghe tin chị Lệ bị đánh, em ruột chị Lệ là Mai Hoàng Phong chở mẹ là Lê Thị Lượm, sang nhà vợ chồng anh Phát. Khi đến nơi, thấy không có ai ở nhà, cửa không khóa nên Phong vào trong nhà lấy một cây gỗ đập bể màn hình ti vi, tủ lạnh rồi bỏ về. Khi biết tin đồ đạc trong nhà bị đập phá, anh Phát đến Công an phường 5 (quận 8, TP.HCM) trình báo.
Sáng 19/4/2010, bà Lượm không đồng ý để cho vợ chồng chị Lệ ở trong nhà nên bảo Phong và chị Lệ đem hết đồ đạc của anh Phát cùng chị Lệ ra ngoài. Phong điện thoại cho anh rể là Phạm Nguyễn Yên Vũ đến giúp.
Khoảng 17h ngày 19/4/2010, có hai người phụ nữ đến nhà bà Lượm gặp chị Lệ lớn tiếng đòi lại số tiền đã trả góp cho chị Lệ để đưa lại cho anh Phát. Lúc này, có bà Lượm, Vũ và Mai Thị Hoàng Hoanh (vợ Vũ), Phong và em của Hoanh là Mai Hoàng Tâm. Sau khi hai người phụ nữ lấy tiền ra về, Vũ mang theo cây móc sắt đến nhà tìm Phát để đánh. Thấy vậy, cháu họ của Lệ là Dương Chí Tâm (23 tuổi, ngụ quận 8) qua bếp nhà bà Lượm lấy một con dao giấu trong túi quần rồi đi theo.
Khoảng 18h cùng ngày, Vũ gặp anh Phát đi bộ ở trong hẻm đường Phạm Thế Hiển, hai người xông vào dùng hung khí đánh nhau. Phát dùng cây sắt đánh vào người Vũ. Vũ né được. Vũ dùng cây móc sắt đánh vào đầu Phát làm bể mũ bảo hiểm. Vũ tiếp tục dùng cây móc sắt móc một cái vào vùng bẹn của Phát gây thương tích.
Vũ đi lùi lại phía sau bị vấp phải miệng cống nên té xuống đất. Phát dùng cây sắt đánh một cái vào đầu Vũ gây thương tích. Dương Chí Tâm đang đứng gần đó, thấy vậy nên rút dao trong túi quần ra xông vào đẩy Phát ra. Phát dùng tay đánh trúng vào vai trái của Tâm. Tâm dùng dao đâm một nhát vào bụng Phát rồi rút dao ra. Phát giơ chân lên định đá Tâm. Tâm liền dùng dao đâm tiếp một nhát vào đùi phải của Phát. Phát bỏ chạy ra đầu hẻm thì gục ngã. Vũ vứt bỏ cây móc sắt và ôm đầu bỏ chạy vào trong hẻm được mấy mét thì ngất xỉu do máu ra nhiều.
Nghe tin Vũ bị Phát đánh, Hoanh chạy ra gặp Dương Chí Tâm, Dương Chí Tâm đưa cây móc sắt và con dao cho Hoanh, bảo đem đi cất. Cùng với Hoanh, lúc này, Phong và Mai Hoàng Tâm cũng người cầm khúc gỗ, người cầm mã tấu tự chế đến hiện trường tìm Phát. Đến nơi, thấy Phát đã bỏ chạy ra đầu hẻm, lại được mọi người can ngăn nên Phong và Mai Hoàng Tâm bỏ về. Vũ và Phát được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đến ngày 20/4/2014 thì Phát tử vong tại bệnh viện.
Phiên tòa đặc biệt
Trước đây, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Dương Chí Tâm chung thân về tội “Giết người”, Phạm Nguyễn Yên Vũ 2 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” và Mai Hoàng Phong 1 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Sau đó, Dương Chí Tâm viết đơn kháng cáo kêu oan, Phong kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Điều khiến mọi người bất ngờ nhất là ông Trần Văn Xuân, cha của anh Phát đã viết đơn kháng cáo kêu oan cho Dương Chí Tâm.
Vừa qua, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Dương Chí Tâm và Phong. Đứng trước vành móng ngựa, Tâm vẫn cho rằng mình không phạm tội “Giết người”. Tâm thừa nhận đã tự tìm đến nơi đánh nhau giữa Vũ và Phát. Khi thấy Vũ bị Phát đánh té ngã, Tâm nhảy vào dùng tay không xô Phát ra. Lúc này, đường hẻm vắng chỉ có ba người là Tâm, Vũ và nạn nhân Phát. “Tôi chỉ can ngăn bằng tay chứ không hề dùng dao đâm anh Phát. Cáo trạng, hồ sơ vụ án quy kết tôi tội “ Giết người” là không đúng. Tôi đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại”.
Phong cũng thừa nhận trong vụ án này mình có một phần lỗi. Tuy nhiên, về việc Tâm có đâm anh Phát hay không thì không hề biết. “Lúc đó, bị cáo chỉ nghe tiếng hét của anh Phát. Khi nhìn sang, thấy anh Phát đã chảy đầy máu. Bị cáo không thấy con dao nào trên tay của Tâm”, Phong khai.
Là phiên tòa phúc thẩm nhưng có đến 10 nhân chứng được mời đến. Trong đó, có hai nhân chứng trước đây chưa được lấy lời khai lần nào. Tất cả các nhân chứng đều cho biết, không thấy Tâm dùng dao đâm anh Phát. Đồng thời, họ cũng không thấy Tâm đem dao về nhà cất giấu.
Khi được mời lên thẩm vấn, ông Xuân cho hay từ trước đến nay không hề tin Tâm là kẻ sát hại con mình. Ông không đồng tình với tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố đối với Tâm. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến vụ án “Giết người” là do Vũ gây ra. Còn Tâm chỉ là người ứng cứu đột xuất theo lời kêu cứu của bị cáo Vũ. Do đó, theo ông Xuân, Tâm không phạm tội “Giết người” mà đáng lẽ ra tội danh này phải dành cho Vũ.
Ông Xuân cũng cho biết, bởi suy nghĩ này nên ngay trong phiên tòa sơ thẩm đã viết đơn cứu xét cho Tâm. Ông còn viện dẫn, ngay trong phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Vũ thừa nhận, trong lúc đánh nhau có kêu: “Tý ơi, cứu dượng Năm với” và thấy Tâm xông vào xô xát với Phát. Phát liền lùi lại, còn Tâm có đâm Phát hay không thì bị cáo không thấy. “Tôi đề nghị tòa xem xét trả hồ sơ vụ án, điều tra lại để Tâm không phải chịu oan sai”, ông Xuân nói.
Luật sư bào chữa cho Tâm cũng cho rằng, trong quá trình tố tụng, Tâm kêu oan nhưng Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra không quan tâm và không làm rõ. Luật sư băn khoăn, do tang vật thu giữ có con dao bấm của nạn nhân. Hiện trường chỉ có ba người, liệu có thể có ngộ sát xảy ra hay không?
Luật sư cũng thừa nhận Tâm có lời khai bất nhất. Luật sư cho rằng, sở dĩ có điều này là do bị cáo đã bị ép cung, nhục hình nên đã có suy nghĩ non nớt nhận tội cho xong. Mặc dù, Tâm có luật sư tham gia lấy khẩu cung tại Cơ quan điều tra, nhưng luật sư này có những dấu hiệu sai trái nên sau đó bị cáo đã từ chối luật sư này.
Tuyên hủy một phần bản án Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, tại phiên tòa phúc thẩm, vụ án phát sinh nhiều tình tiết mới thể hiện Tâm không thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng và bản án sơ thẩm đã quy kết. Để đảm bảo tính khách quan, tránh xảy ra oan sai, tòa chấp nhận đề nghị của Viện Kiểm sát, tuyên hủy một phần bản án, trao trả hồ sơ điều tra lại đối với bị cáo Tâm. Riêng bị cáo Phong, tòa cũng chấp nhận giảm án từ 1 năm tù giam sang tù treo về tội “Hủy hoại tài sản”. |