Khi con cái ở lứa tuổi teen, nhiều ông bố bà mẹ quên việc trang bị cho các con kiến thức, sự hiểu biết về giới tính, dẫn đến việc các em tự “khám phá” hoặc tự nguyện... “yêu” dẫn đến bị xâm hại tình dục.
Trong vụ án Lại Đức Trung (16 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) bị TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử ngày 17/11/2016 về tội “Hiếp dâm trẻ em”, lời khai của bị cáo lẫn bị hại cho thấy đang có những lỗ hổng về giáo dục giới tính cần được “vá” để ngăn ngừa các bi kịch tương tự…
Theo bản án sơ thẩm, Lại Đức Trung sinh ra trong một gia đình nghèo tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tuổi thơ của Trung khá vất vả, học hết lớp 5, bị cáo không còn được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Đến tuổi dậy thì, Trung cũng không được bố mẹ chỉ dạy mà “tự bơi” khi đối mặt với những ham muốn đầu đời.
Trong số những láng giềng gần nhà, Lại Đức Trung thường sang nhà bà Nguyễn Thị Luyến chơi. Thời điểm tháng 4/2014, ngoài em Trần Thị Loan (17 tuổi) cùng trang lứa với Trung, các con gái chị Luyến là Trần Thị Trinh (12 tuổi); Trần Thị Ngọc (10 tuổi) cũng quý mến người anh láng giềng.
Giai đoạn các em bắt đầu có sự chuyển biến về tâm sinh lý, nếu người thân không theo sát được lộ trình phát triển của con em mình, rất dễ dẫn đến việc các cháu tự khám phá. Do không có đủ kiến thức sống, cháu Trinh và Trung đã nảy sinh ý định quan hệ tình dục. Cả hai sau đó “quan hệ” với nhau nhiều lần đến cuối tháng 10/2014.
Cùng thời gian “yêu” cháu Trinh, từ tháng 7/2014, Trung còn dụ dỗ cháu Trần Thị Loan để quan hệ tình dục. Vào thời điểm này, cháu Loan đã trên 13 tuổi và Trung chưa đủ 18 tuổi nên hành vi của Trung chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Hiếp dâm trẻ em” đối với Loan.
Đến tháng 7/2015, cháu Loan có biểu hiện khác thường, chị Luyến thấy con gái bụng ngày càng lớn nên đưa đi bệnh viện khám và tá hỏa trước kết quả cháu đã mang thai được 7 tháng. Bi kịch chưa dừng lại, cháu Ngọc còn khai ra bị Trung cưỡng bức, hãm hại, thực hiện hành vi giao cấu khi cháu mới 10 tuổi. Trung khai nhận đã thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân nhiều lần cho đến cuối tháng 10/2014.
Bi kịch do Lại Đức Trung gây ra thật đau lòng, hậu quả bị cáo gây ra nhức nhối khi cháu Loan sau đó sinh ra một bé trai hiện hơn 1 tuổi. Với hành vi đó, tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 8 năm tù đối với Trung về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Bị cáo Trung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Lại Đức Trung đứng trước vành móng ngựa với vẻ lúng túng, ngượng ngùng, thỉnh thoảng bị cáo quay mặt lại nhìn người thân với ánh mắt như cầu cứu. Trung khai do nhu cầu sinh lý ở độ tuổi dậy thì quá cao nên bị cáo không kìm hãm được dục vọng dẫn đến phạm tội. Những lời khai của bị cáo khiến những người tham dự không khỏi chạnh lòng.
Việc dạy kỹ năng sống cho các em, trang bị những kiến thức cần thiết, những hiểu biết hết sức cơ bản về giới tính, về luật pháp cho các em ở độ tuổi dậy thì vẫn đang là lỗ hổng lớn. Bố mẹ của Trung vật lộn với cuộc sống khó khăn, quên đi việc gần gũi, giúp đỡ con mình, để rồi khi ra Tòa, họ chỉ có thể tự trách bản thân khi không dành thời gian để gần gũi, lắng nghe những thắc mắc của con mình.
Cũng như họ, cha mẹ người bị hại không thể ngờ đến tình huống 3 con mình bị thiếu niên hàng xóm xâm hại. Nếu các em được dạy cách đề phòng để không bị xâm hại từ các đối tượng xấu thì có thể hậu quả đã không xảy ra. Ở độ đủ 13, nhận thức các em còn non nớt, nhiều khi các em nảy sinh tình cảm sớm dẫn đến việc tự nguyện quan hệ với “người yêu”. Việc trang bị kỹ năng sống để các em tránh suy nghĩ “bị xâm hại tự nguyện” lại ít được các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục quan tâm, để ý. Đây cũng là lý do dẫn đến số lượng các vụ “giao cấu với trẻ em” ngày càng tăng.
Quay trở lại vụ án Lại Đức Trung, HĐXX nhận thấy, Trung kháng cáo nhưng không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên tuyên bác kháng cáo, tuyên y án 8 năm tù đối với bị cáo về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Hình ảnh Trung ngơ ngác sau phiên tòa một lần nữa là minh chứng cho thấy để hạn chế loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, gia đình, nhà trường và xã hội cần “vá” những lỗ hổng về kiến thức giới tính cho các em. Chỉ khi nào được trang bị đầy đủ, biết sử dụng thành thạo các kiến thức đó, các em mới có thể đưa ra những quyết định đúng, không gây nguy hại cho người khác và chính bản thân, để tương lai không bị đóng sập sau cánh cổng nhà tù…
(Tên người bị hại đã được thay đổi).