Bị đe dọa đưa hình ảnh đời tư lên mạng xã hội phải làm thế nào?

Thu Phương| 17/12/2020 19:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để ngăn chặn hành vi quay trộm cảnh sinh hoạt cá nhân của bạn cũng như ngăn chặn việc phát tán những thông tin đó, bạn có thể báo với Công an xã, phường nơi bạn đang cư trú.

Tôi hiện nay đang ở trọ 1 mình, gần đây có 1 người đàn ông liên tục gửi thư đe dọa tôi, rằng anh ta có những hình ảnh và video quay lại những cảnh sinh hoạt cá nhân của tôi. Nếu tôi không đồng ý làm bạn gái của anh ta, anh ta sẽ tung những hình ảnh và video này lên mạng và cho lên facebook cá nhân của tôi. Tôi cực kỳ hoang mang, tôi có nói với anh ta là nên nghĩ đến những hậu quả khi phát tán và xin anh ta đừng tung những video đó lên mạng nhưng anh ta không hề quan tâm và dọa sẽ làm đến cùng. Tôi phải làm cách nào để ngăn chặn hành động này của anh ta? Nếu như anh ta nhất định đăng những hình ảnh đó lên mạng thì tôi có thể báo ai?

Độc giả Vũ Thị Mai, Hà Nội

Trả lời: Căn cứ vào những dữ liệu mà bạn đã nêu, áp dụng những quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:

Trước hết, hành vi của người đàn ông mà bạn đã nói (quay trộm cảnh sinh hoạt cá nhân của bạn) là trái với những quy định của pháp luật về quyền bí mật đời tư trong Bộ luật dân sự 2015. Quyền bí mật đời tư đã được quy định rất rõ tại Điều 38 Bộ luật dân sự như sau:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.”.

Để ngăn chặn hành vi quay trộm cảnh sinh hoạt cá nhân của bạn cũng như ngăn chặn việc phát tán những thông tin đó, bạn có thể báo với Công an xã, phường nơi bạn đang cư trú.

Trong trường hợp người đó cố tình phát tán những hình ảnh đó người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến 05 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bị đe dọa đưa hình ảnh đời tư lên mạng xã hội phải làm thế nào?