Phải chăng do tố cáo nhiều dấu hiệu tiêu cực của Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam mà một Trưởng ban Nữ công cơ quan này bị cô lập, rồi bất ngờ xuống thành một cán bộ bình thường…?
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ Công đoàn Dệt May Việt Nam gửi đơn đến Báo Công lý phản ánh hàng loạt sai phạm của ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam. Đặc biệt, theo bà Hương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thụ lý đơn, tại các buổi làm việc, bà đã đưa ra bằng chứng xác đáng nhưng nhiều nội dung trong Kết luận sau này không đủ, đúng như thực tế diễn ra. Thậm chí, nhiều nội dung kết luận có phần “ưu ái” người bị tố cáo.
Mặc dù vậy, theo Thông báo số 52/TB-UBKT ngày 19/3/2019 về kết quả giải quyết tố cáo ông Thướng, hàng loạt khuyết điểm của ông này cũng đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) chỉ rõ.
Đó là việc ông Thướng tổ chức cơ quan đi tặng hơn 600 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng cho toàn bộ CBCNVC Công ty Vinatex - Chi nhánh Tuyên Quang, Điều đáng nói là tại đơn vị này, tất cả mọi người đều đã có tháng lương thứ 13, trị giá hơn 4 triệu đồng/người.
Trong khi đó, công nhân ở một số đơn vị khác còn khó khăn hơn nhiều, đáng trợ cấp hơn nhiều, thì lại không được hỗ trợ, hoặc hỗ trợ với số lượng ít hơn hẳn. Chi nhánh Tuyên Quang là đơn vị duy nhất, toàn thể CBCNVC được hỗ trợ. Theo bà Hương, sở dĩ ông Thướng “quan tâm” đặc biệt đơn vị này là bởi ở đây có ông Lê Nho Thắng, em trai ông Thướng.
Thông báo số 52/TB-UBKT ngày 19/3/2019 về kết quả giải quyết tố cáo đối với ông Lê Nho Thướng
Tiếp đó là việc bà Hương cho rằng ông Thướng lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi năm nào cũng tặng quà bằng tiền mặt cho duy nhất các cháu tại Tổng công ty May 10 nhân dịp tết trung thu vì Tổng giám đốc đơn vị này là vợ ông Thướng. Việc này Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng khẳng định có sự việc và yêu cầu Công đoàn Dệt May Việt Nam cần rút kinh nghiệm.
Kết luận của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng khẳng định việc ông Thướng tiến hành sắp xếp mô hình từ 7 ban xuống 5 ban, ghép các ban và tên gọi của ban của Công đoàn Dệt May Việt Nam khi chưa có ý kiến của Tổng Liên đoàn là sai. Vì lẽ đó, Tổng Liên đoàn đã yêu cầu Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam hủy các quyết định đã ban hành.
Ngày 12/3/2019, ông Lê Nho Thướng đã ký Thông báo số 81/TB- CĐDM về việc tạm dừng sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan Công đoàn Dệt May Việt Nam. Theo đó, đơn vị này thu hồi 2 quyết định về sáp nhập các ban trực thuộc, 9 quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Trụ sở Công đoàn Dệt May Việt Nam
Về nguyên tắc, sau khi 11 quyết định nói trên bị thu hồi, các nhân sự liên quan sẽ trở lại vị trí công tác trước khi những quyết định này được ban hành. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Hương, việc thu hồi quyết định ở đơn vị này chỉ là hình thức. Trong thực tế, cho đến nay, các quyết định bị thu hồi vẫn còn nguyên hiệu lực. Các nhân sự liên quan vẫn giữ các chức vụ theo tinh thần các quyết định bị thu hồi. Đó là đối với những người khác, còn đối với bà Hương, trước đây bà là Trưởng ban Nữ công, sau khi sắp xếp lại, bà được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo, nhưng thực tế, bà chỉ như một chuyên viên.
“Sau khi quyết định bổ nhiệm bị thu hồi vì chưa có ý kiến của Tổng Liên đoàn, tôi không được phục hồi chức vụ Trưởng ban Nữ công, mà vẫn tiếp tục công tác ở Ban Tuyên giáo. Hiện nay trong công việc, suốt nhiều tháng qua, tôi bị đối xử như một chuyên viên; trong mọi giao dịch ở cơ quan, tôi không hề có chức danh gì. Phải chăng tôi vì cái chung mà đấu tranh, rồi dẫn đến việc bị trù dập như vậy”, bà Hương đặt câu hỏi.
Được biết, trước những sự việc bất thường này, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã chuyển đơn của bà Hương đến Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giải quyết theo thẩm quyền.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.