Sáng nay (8/1), phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân (đều là cựu Đại biểu Quốc hội) và 3 bị cáo khác trong vụ "Cưỡng đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" bước sang ngày làm việc thứ 2, tiếp tục phần xét hỏi.
Liên tiếp nhờ Đại biểu Quốc hội can thiệp với lãnh đạo địa phương
Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước) khai, bị cáo với bị cáo Lưu Bình Nhưỡng có quan hệ xã hội vì cùng công tác ở cơ quan nhà nước. Qua bị cáo Nhưỡng, bị cáo quen biết bị cáo Lê Thanh Vân.
Về diễn biến vụ việc, bị cáo Vương khai, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hạ Long (Công ty Hạ Long) có gửi cho bị cáo toàn bộ tài liệu liên quan đến dự án của Công ty, đang có nguy cơ bị thu hồi do triển khai chậm tiến độ và khả năng tài chính của công ty cũng đang khó khăn.
Sau khi xem hồ sơ dự án và những tài liệu liên quan, bị cáo hướng dẫn đại diện Công ty Hạ Long làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Từ nguồn đơn của Công ty Hạ Long, Vương đã nhờ bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân làm giấy chuyển đơn của Công ty Hạ Long về các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh.
Sau đó, bị cáo tiếp tục nhờ bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhờ tác động giúp Công ty Hạ Long không bị thu hồi dự án.
Khi gặp bị cáo Nhưỡng, bị cáo Vương nói: “Dự án của Công ty Hạ Long là dự án của em. Em đã mua lại dự án này và dự án đã có mặt bằng sạch. Do Giám đốc Công ty Hạ Long bị ốm nên các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh định thu hồi dự án. Vì thế em nhờ anh giúp em để dự án tiếp tục được triển khai”.
Sau khi nhận lời giúp Công ty Hạ Long không bị thu hồi dự án, Vương yêu cầu Công ty Hạ Long phải chi 7 tỷ đồng để khi dự án được tiếp tục triển khai thì bị cáo sẽ đi cám ơn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và những người đã giúp đỡ. Tuy nhiên, đại diện Công ty Hạ Long mới đưa cho Vương 3,3 tỷ đồng.
Theo lời khai của bị cáo Vương, sau khi ký hai công văn chuyển đơn của Công ty Hạ Long tới cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh theo hướng có lợi cho công ty không bị thu hồi dự án, Nhưỡng đã thông tin lại cho Vương biết.
Về phía bị cáo Vân, sau khi nghe Vương nhờ, bị cáo Vân cũng chuyển nhiều văn bản và gọi điện tới lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tác động giúp Công ty Hạ Long không bị thu hồi dự án.
Tại tòa, bị cáo Vương vẫn xác nhận đã hứa tặng hai bị cáo Nhưỡng và Vân, mỗi người một lô đất ở huyện Đông Anh (Hà Nội) và đề nghị hai bị cáo này chuyển căn cước công dân con của họ để Vương làm thủ tục đứng tên đất.
Bị cáo Vương cũng giữ nguyên lời khai trước cơ quan điều tra về lời hứa cho hai bị cáo Nhưỡng và Vân, mỗi người 1.000m2 đất tại Dự án 36ha ở tỉnh Quảng Ninh.
Trong vụ án này, VKS xác định, bị cáo Vương có hành vi trực tiếp gặp hai bị cáo Nhưỡng và Vân nhờ can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để Công ty Hạ Long được tiếp tục triển khai Dự án 36ha ở tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi nhận 3,3 tỷ đồng của Công ty Hạ Long, bị cáo Vương hứa, sau khi nhận 10% số đất của dự án 36ha (tương đương 15.000m2), bị cáo sẽ cho bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân mỗi người 1 lô đất ở xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội), đồng thời bị cáo Vương còn hứa cho Nhưỡng và Vân, mỗi bị cáo 1.000m2 đất tại Dự án 36ha ở tỉnh Quảng Ninh.
Hành vi của bị cáo Vương khi tác động tới bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân nhằm mục đích hưởng lợi hơn 13.000m2 đất (trị giá hơn 26 tỷ đồng).
Bị cáo Vương đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024, trong vụ án này, bị cáo Vương bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Trước khi phạm tội trong vụ án này, bị cáo Vương bị tuyên án 7 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, do bị cáo Vương đang kháng cáo nên bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
Bị cáo Lê Thanh Vân: "Doanh nghiệp đi theo dúi phong bì vào túi"
Cũng trong phần xét hỏi sáng nay, bị cáo Lê Thanh Vân, cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khai, mối quan hệ giữa bị cáo và bị cáo Nhưỡng là đồng môn tại Trường Đại học Luật, và sau này cùng là Đại biểu Quốc hội nên thân thiết nhau.
Nói về mối quan hệ với hai doanh nghiệp ở Quảng Ninh (liên quan đến vụ án này), bị cáo Vân khai: “Bị cáo chỉ gặp họ hai lần đều ở phòng làm việc của bị cáo Nhưỡng khi tình cờ sang uống nước chè. Đến nay, bị cáo cũng không nhớ mặt hai doanh nghiệp ấy”.
Theo lời khai của bị cáo Vân, hôm đó, bị cáo Nhưỡng giới thiệu, doanh nghiệp có vướng mắc với dự án ở Quảng Ninh nên nhờ bị cáo nói thêm với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Sau khi hỏi vụ việc thế nào, bị cáo Vân đã gọi điện ngay cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Cuộc điện thoại bật loa ngoài của bị cáo Vân được bị cáo Nhưỡng ghi âm toàn bộ, nhưng bị cáo Vân nói không để ý. Chủ tọa phiên tòa cho biết, tệp ghi âm này đã được cơ quan chức năng trích xuất từ điện thoại bị cáo Nhưỡng trong quá trình điều tra.
Về lần gặp thứ hai với hai doanh nghiệp liên quan đến vụ án này, bị cáo Vân cho hay, cũng do “tình cờ” sang phòng bị cáo Nhưỡng uống nước và được doanh nghiệp kể, dự án đã được duyệt.
“Sau khi bị cáo đi bộ về phòng làm việc của mình thì một trong hai doanh nghiệp đi theo dúi phong bì vào túi bị cáo. Bị cáo cầm cho doanh nghiệp vui chứ không đòi hỏi gì từ họ”.
Trong vụ án này, VKS xác định, trong các tháng 6, 7, 8 và 12/2020, bị cáo Vân đã ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha, hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội (ở Đông Anh, Hà Nội) và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất trị giá hơn 1,9 tỷ đồng ở dự án này.
Ngoài ra, tháng 7/2023, bị cáo Vân đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty CP Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác Dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 60 triệu đồng. Bị cáo Vân bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.