Chiều nay (21/6), phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ làm thất thoát 800 tỷ đồng của PVN tại Oceanbank tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi. HĐXX dành phần lớn thời gian thẩm vấn bị cáo Thăng.
Theo đó, trước hàng loạt các câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vinh Quang, yêu cầu bị cáo Thăng chỉ trả lời có hoặc không.
Trước yêu cầu của vị chủ tọa, bị cáo Đinh La Thăng tỏ ra mất bình tĩnh và cho rằng, việc HĐXX hỏi và yêu cầu bị cáo chỉ được trả lời có hay không khiến bị cáo rất khó trả lời.
Ngay sau đó, vị chủ tọa Nguyễn Vinh Quang giải thích, HĐXX hỏi để thẩm tra lại các tài liệu chứng cứ. Đây chưa phải là phần tranh luận. Trong trường hợp bị cáo không trả lời, HĐXX không hỏi bị cáo nữa. Bị cáo có quyền giữ im lặng.
Được giải thích, bị cáo Đinh La Thăng đã lấy lại được bình tĩnh, tiếp tục trả lời thẩm vấn trước HĐXX.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử
Tiếp tục trình bày lại toàn bộ nội dung kháng cáo của mình, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, bị cáo bị tuyên 18 năm tù vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng, bị cáo kháng cáo cả tội danh, hình phạt và phần dân sự bị buộc phải bồi thường.
Theo trình bày của bị cáo Đinh La Thăng, việc PVN góp vốn vào Oceanbank đã được sự đồng ý của Thủ tướng. PVN góp vốn vào Oceanbank năm 2011 được cho là vi phạm Luật tổ chức tín dụng, nhưng bản án sơ thẩm đã không xem xét đến việc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, Bộ kế hoạch đầu tư đã đồng ý cho tăng vốn. Đến năm 2015, Ngân hàng Nhà nước mới có hướng dẫn thoái vốn.
Theo bị cáo Thăng, bản án sơ thẩm đã bỏ qua các chứng cứ, lập luận của luật sư bào chữa cho mình; không xem xét đến việc PVN muốn thoái vốn; PVN đã tìm được đối tác và Oceanbank đồng ý, nhưng sau đó Chính phủ không cho thoái vốn, dù trước đó đã 2 lần đồng ý. Việc Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng cũng không được xem xét.
Ngoài ra, bị cáo Thăng cho rằng, bản án sơ thẩm cũng bỏ qua việc PVN đã nhận được 244 tỷ đồng tiền cổ tức từ Oceanbank và PVN đã sử dụng chính nguồn cổ tức này để góp 100 tỷ đồng vốn điều lệ vào Oceanbank.
Bên cạnh đó, Đinh La Thăng cũng cho rằng bản án sơ thẩm không đánh giá việc vào tháng 8/2011, bị cáo đã rời khỏi PVN và Oceanbank hoạt động có hiệu quả và được chia cổ tức đến năm 2013. Vì vậy, bị cáo không thể chịu trách nhiệm hình sự, dân sự khi Oceanbank bị mua 0 đồng khi mà bị cáo đã chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mình tại PVN từ tháng 8/2011.
Các bị cáo tại phiên tòa chiều nay
Tiếp tục ở phần xét hỏi, trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, mục đích của việc góp vốn vào Oceanbank là do thời điểm đó bị cáo rất đau đầu với việc dự án thành lập Ngân hàng Hồng Việt bị dừng lại khi mà PVN đã đổ rất nhiều tiền để thành lập Ngân hàng này. Lúc đó, thỏa thuận góp vốn của PVN vào Oceanbank được coi là cứu cánh để giải quyết vấn đề Ngân hàng Hồng Việt bị dừng.
Trước tháng 8/2011, những yêu cầu và mục đích bị cáo Thăng đặt ra trong việc góp vốn vẫn đạt được khi đến tận năm 2013, PVN vẫn nhận được cổ tức từ Oceanbank.
Vào thời điểm bị cáo chuyển công tác là vào tháng 8/2011, không có dấu hiệu nào cho thấy Oceanbank sẽ thua lỗ. Bị cáo Đinh La Thăng nói: “Khi tôi đi khỏi PVN, Oceanbank được xếp loại tốt, được đánh giá hàng hoa hậu. Không có lý do gì mà khi tôi đi rồi lại bắt tôi chịu trách nhiệm”.
Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (22/6).