Ngày 6/10, phiên tòa xét xử nguyên ĐBQH Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư.
Mở đầu phiên tòa, HĐXX yêu cầu các bị cáo và bị hại trả lời các câu hỏi của luật sư để làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo.
Theo đó, vợ của bị cáo Đinh Phúc Tiếu, nguyên Phó Tổng GĐ, Kế toán trưởng Công ty Housing Group khẳng định rằng những lời khai của chồng bà tại phiên tòa là hoàn toàn đúng. Vợ của bị cáo này cho biết thêm, trước khi đầu tư mua căn hộ, hai vợ chồng đã bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất mua căn hộ ở B5 Cầu Diễn, sau đó cả hai vợ chồng bà cùng nhau đến Công ty nộp tiền, ông Tiếu là người ký vào phiếu thu tiền.
Bà này cũng cho biết thêm, để quyết định mua 2 căn hộ tại Dự án B5 Cầu Diễn này, cả hai vợ chồng đã cùng qua xem khu vực Dự án, thấy khu đất ở vị trí đẹp, và đang đào xới gì đó nên tin tưởng và đã quyết định mua.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Đinh Phúc Tiếu khai cho rằng Công ty Housing Group sai là ở khâu chi chứ không phải khâu thu. Tiếu nói: “Phiếu thu tiền và phiếu chi có thể hoàn toàn khác nhau. Chi đồng nào thì doanh nghiệp phải duy trì chặt chẽ hơn. Phiếu chi phải có đầy đủ các chữ ký còn phiếu thu thì không”.
Bị cáo này cũng giải thích thêm, phiếu thu là chứng từ kế toán nhưng không phải chứng từ gốc. Chứng từ gốc mới có giá trị pháp lý. Phiếu thu chỉ ghi nhận việc thu là căn cứ kế toán ghi sổ báo cáo tài chính. Nhân viên cũng có thể đến tận nhà khách hàng thu tiền, chỉ có giấy biên nhận.
Trước đó bị cáo Tiếu cho rằng mình cũng là bị hại vì vợ chồng bị cáo và người thân cũng đầu tư tiền mua căn hộ của Dự án B5 Cầu Diễn.
Bị cáo Đinh Phúc Tiếu trước vành móng ngựa
Trong phiên tòa xét xử ngày hôm nay, một lần nữa bị cáo Châu Thị Thu Nga khẳng định không có mục đích lừa đảo khách hàng. Từ mô hình Dự án B5 Cầu Diễn trưng bày tại sảnh Công ty đến các tờ quảng cáo đều công khai vì tin tưởng Dự án vẫn đang tiến triển tốt.
Luật sư Hoàng Tuấn Anh, người bào chữa cho nữ bị cáo Châu Thị Thu Nga đặt câu hỏi với thân chủ: Qua các hợp đồng góp vốn, được biết Housing Group huy động vốn với mục đích sản xuất kinh doanh chứ không phải để xây dựng dự án, bị cáo có thể nói cụ thể về việc này?
Bị cáo Nga trả lời: "Trong bản kế hoạch vay vốn ký ngày 20/4/2009 chúng tôi nói rõ, lúc đó Housing Group chuẩn bị trở thành công ty đại chúng để lên sàn nên cần 100 cổ đông. Lúc đó, công ty mới có một số cổ đông rất nhỏ, một số Phó tổng mới đến chúng tôi cũng chuyển nhượng một số cổ phần nhưng vẫn chưa đủ, sau đó có số khách hàng đã đến tham gia là cổ đông góp vốn.
Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa ngày hôm nay
Vì công ty kinh doanh bất động sản có rất nhiều dự án, Sở Xây dựng Hà Nội có chủ trương cho phép công ty được tiến hành huy động vốn khoảng từ 15-20% trên tổng mức đầu tư dự án và đề nghị các công ty nộp kế hoạch kế hoạch, tờ trình để Sở xây dựng hướng dẫn".
Vị luật sư này tiếp tục: “Sau khi bị bắt, bà đã làm gì để tiếp tục triển khai dự án B5 Cầu Diễn?”.
Bị cáo Nga trình bày, Dự án B5 Cầu Diễn triển khai không chỉ có nguồn vốn huy động từ người dân đóng góp mà Housing Group còn đi tìm những nguồn vốn khác, như Ngân hàng Techcombank cam kết bảo lãnh cho vay 748 tỷ đồng và sẽ giải ngân khi dự án đủ điều kiện. Công ty còn hợp tác với Công ty Công Anh là đơn vị có nguồn vốn từ nước ngoài, nhưng do nguồn tiền về chậm nên Housing Group đã tìm một đối tác khác ở trong Nam là Công ty Việt Úc với nguồn vốn 120 triệu USD. Thủ tục đang được triển khai thì bị cáo bị bắt.
Bị cáo Nga nói: “Khi vào trại tạm giam, tôi có nguyện vọng duy nhất là dự án được triển khai. Tôi cũng đề nghị Viện KSND tối cao, cơ quan Cảnh sát điều tra để ủy quyền cho ông Lê Sáu và 2 người khác đại diện cho tôi, sở hữu toàn bộ cổ phần của tôi, được toàn quyền điều hành công ty giải quyết vướng mắc, trong đó có Dự án B5 Cầu Diễn”.
Bị cáo này tiếp tục nói: “Trong những lần gặp gỡ, ông Lê Sáu nói công ty tìm được nguồn vốn của đối tác mới. Tôi cũng đã trao đổi thẳng thắn với ông Nguyễn Hồng Chương là ban đại diện khách hàng về mong muốn triển khai dự án, giờ đây ông Chương cũng đã về Công ty Housing Group và tới đây sẽ bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Chương với vai trò Phó TGĐ. Những điều này chứng tỏ rằng, chúng tôi không lừa đảo và chúng tôi chỉ mong muốn triển khai dự án B5 trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Theo lời của nữ bị cáo này, bản chất thỏa thuận với khách hàng nhằm huy động tiền nhàn rỗi của người dân. Hơn nữa, bị cáo Nga cũng khẳng định chưa bao giờ đưa ra những văn bản pháp lý gian dối nào hay yêu cầu nhân viên làm khi tiếp xúc với khách hàng.
Luật sư Hoàng Tuấn Anh hỏi thêm ông Lê Sáu – Tổng GĐ Công ty Housing Group nhằm làm rõ hơn về việc công ty đã có đối tác mới.
Vị TGĐ này cho biết, Housing Group đã ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác, có sự tham gia của ban đại diện khách hàng. Trong hợp đồng nêu rõ sau khi mua lại 65% cổ phần công ty thì phía đối tác mới sẽ triển khai tất cả dự án của công ty trên địa bàn Hà Nội trong đó chủ yếu là dự án B5 Cầu Diễn.
Trước đó, theo lời khai của một số bị cáo cấp dưới cho rằng không nắm bắt tình trạng pháp lý của dự án, bị cáo Châu Thị Thu Nga khẳng định, trong các hội nghị giao ban đều phổ biến chủ trương, vướng mắc của dự án.
Bị cáo Nga nói: “Chúng tôi có Ban đầu tư là đầu mối giải quyết việc đó, họ báo cáo luôn tình trạng dự án vướng mắc như thế nào trong cuộc họp, sau đó Ban Tổng giám đốc họp tiếp. Chúng tôi thông báo công khai thông tin dự án trong hội nghị giao ban công ty vào sáng thứ hai hàng tuần và dự án chỉ còn vướng về điều chỉnh quy hoạch”.
Cũng trong phiên tòa xét xử ngày hôm nay, một bị hại trong vụ án này cho biết: "Chúng tôi đã rất tin tưởng nộp rất nhiều tiền vào dự án này, bởi người đứng đầu dự án là đại biểu Quốc hội, giờ chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền TP Hà Nội tạo điều kiện để dự án tiếp tục được thực hiện, chúng tôi có nhà ở".
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào sáng thứ Hai (9/10).