Bị cảm cúm nhẹ, chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (SN 1991) khối Yên Giang, Vinh Tân, TP Vinh (Nghệ An) được bà Trần Thị Tâm (SN 1948) cùng khối truyền dịch, kháng sinh suốt 9 ngày, khi chị chỉ còn 10% sự sống bà mới chịu "nhả" kim đồng ý đưa chị đi cấp cứu.
Cái chết tức tưởi của cô gái xinh đẹp
Là con út trong gia đình 5 anh em có gia cảnh hết sức khó khăn, nhưng Ngọc nổi tiếng là cô bé chăm ngoan học giỏi. Suốt các năm cấp I, II, III Ngọc luôn là học sinh khá, giỏi, được thầy cô bạn bè yêu mến. Ngọc, không những đẹp người mà còn đẹp nết, rất hiếu thảo với bố mẹ, ông bà. Ngoài giờ học, cứ rảnh rỗi là Ngọc lại giúp mẹ việc đồng áng ruộng nương, chăm sóc cho bố mỗi lúc trái gió trở trời.
Ngọc vừa đẹp người lại đẹp nết
Hết cấp III, Ngọc thi đậu Đại học nhưng quyết định học nghề vì thương bố mẹ già yếu, kinh tế lại khó khăn. Sau một thời gian mải miết học nghề Ngọc đã trở thành một cô thợ làm đầu có tay nghề cao. Do chưa có vốn mở quán riêng, Ngọc làm thuê cho một tiệm tóc trong khối. Bà chủ quán rất quý Ngọc vì kể từ khi Ngọc đến, khách đông dần lên. Nhiều người ngưỡng mộ tay nghề Ngọc đến cũng có, mà số người bị “lạc hồn” trước vẻ đẹp người, đẹp nết của cô cũng không ít.
Tin Ngọc mất như sét đánh ngang tai với tất cả bạn bè, anh em, những người yêu quý Ngọc. Ai cũng sững sờ không tin đó là sự thật, đám tang Ngọc chật ních người viếng thăm, xót thương cho cô gái “hồng nhan mà bạc phận”, hiếu thảo với bố mẹ ông bà lại phải ra đi một cách oan uổng khi mới chỉ bước qua tuổi 23.
Đơn tố cáo của ông Xuân gửi tới Báo Công lý
Nhận được đơn thư phản ánh của ông Nguyễn Thanh Xuân (SN 1940, bố chị Ngọc) gửi báo Công lý, phóng viên đã có mặt tại nhà ông để tìm hiểu sự việc.
Tuy sự việc đã trôi qua gần một tháng, nhưng không khí ảm đạm tang thương vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ của gia đình ông. Gặp chúng tôi, bà Trần Thị Điệp (SN 1950, mẹ chị Ngọc) nấc lên từng hồi thảm thiết rồi ú ớ: “Cháu nó chết oan lắm các cô chú ơi, oan lắm…trời ơi là trời”.
Rồi ông bà thay nhau kể trong nước mắt: Vào ngày 10/07/2014 thấy chị Ngọc bị sốt nhẹ, ho khan và đi ngoài nên gia đình đã đưa chị đến nhà bà Trần Thị Tâm (SN 1948, cùng khối) thăm khám. Sau một hồi hỏi han bắt mạch bà lang phán: Ngọc bị viêm phổi dẫn đến sốt cao, rồi trấn an gia đình hãy yên tâm, bà truyền vài lọ dịch trộn kháng sinh sẽ khỏi ngay.
Tin tưởng bà, gia đình cho Ngọc ở lại điều trị. Sau 5 ngày liên tục truyền, Ngọc thấy trong người khó chịu, chân tay có biểu hiện phù nề nên gia đình có hỏi và đề đạt nguyện vọng đưa Ngọc lên bệnh viện Tp Vinh. Sau khi khám lại 1 hồi bà Tâm phán: Ngọc bị viêm tim, cứ yên tâm truyền vài bình nữa sẽ khỏi. Một lần nữa tin tưởng bà Tâm, gia đình lại nhắm mắt đồng ý để bà Tâm chữa trị.
Ông Xuân bà Điệp trình bày sự việc trong nước mắt
Đến ngày thứ 9 tức ngày 18/07/2014, khi thấy sự sống của chị Ngọc chỉ còn lại khoảng 10%. Bà Tâm mới tá hỏa cùng vợ chồng ông Xuân đưa chị Ngọc đi cấp cứu tại bệnh viện TP. Vinh. Tại đây, nhận thấy tình trạng bệnh của chị Ngọc nguy kịch, bệnh viện này đã chuyển thẳng chị lên BVĐK Nghệ An.
Tại BVĐK Nghệ An, các bác sỹ tiến hành hội chẩn đưa ra kết luận: Do truyền nước quá nhiều cộng thêm việc sử dụng kháng sinh không đúng bệnh lý nên vỡ mạch, ven nát, dịch tràn đầy phổi, xâm nhập vào tim tới 2,5 phân làm tắc mao mạch, khí huyết không thông, máu ngộ độc, nhiễm trùng, ứ trệ nước, tim phình to, nội tạng dần phân hủy, phù nề toàn cơ thể…
Chị Ngọc điều trị tại nhà bà Tâm
Nhận định, hiện trạng sức khỏe chị Ngọc hết sức nguy cấp, bệnh viện không đủ thiết bị máy móc chữa trị, nếu kéo dài bệnh nhân khó có cơ hội sống. Các bác sĩ lập tức hoàn thịên hồ sơ bệnh án, điều xe ô tô cùng 2 bác sỹ đưa chị Ngọc ra Bệnh viện Bạch mai (Hà Nội) vào 16h30 cùng ngày. Bà Tâm được mời đi cùng để nói cho bác sĩ biết: Bà truyền những loại dịch và thuốc gì cho bệnh nhân.
Chị Ngọc tại Viện Bạch mai
Tại BV Bạch Mai, sau hội chẩn các bác sỹ đưa ra kết luận như kết luận của BVĐK Nghệ An. Lập tức chị Ngọc được đưa vào phòng cấp cứu đặc biệt, các bác sĩ tiến hành gây mê, xẻ lồng ngực hút dịch ở tim, xẻ hông hút dịch ở phổi, làm các biện pháp hỗ trợ rút dịch toàn cơ thể, khoảng 5 lít dịch đã được rút ra từ cơ thể chị Ngọc.
Điều trị tại BV Bạch Mai được 50 ngày đúng ngày 08/09/2014 chị Ngọc trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và người thân.
Phiếu khám và làm các kết quả xét nghiệm của chị Ngọc tại bệnh viện Bạch mai
Nỗi đau của người ở lại
Sự việc trên đã khiến gia đình ông Xuân sống trong hoảng loạn, suy sụp tinh thần. Mỗi khi cầm ảnh con gái lên, bà Điệp lại không thể cầm lòng.
Bà Điệp trào nước mắt mỗi khi xem lại ảnh con
“Con tôi mất được 14 ngày, bà Tâm mới đến nhà thắp hương và tuyên bố mình vô can trong vụ này, bà còn tỏ thái độ thách thức kiện tụng” - bà Điệp kể trong nỗi ấm ức.
Ông Xuân nghẹn ngào: “Bà Tâm hành nghề y mà không có lương tâm, con tôi chỉ bị cảm cúm sơ, vì lợi nhuận bà ta cố giữ con tôi lại để truyền dịch rồi lấy giá cắt cổ 150.000 đồng/bình. Truyền tới 10 bình, gia đình tôi phải chi 1.500.000 đồng. Biết con gái tôi chết do chính tay bà truyền dịch, bà không một lời hỏi thăm lại còn thờ ơ coi như không liên quan. Sở dĩ tôi chưa trình báo các cơ quan chức năng vì còn chờ bà Tâm đến nhà nói chuyện phải trái, dù sao cũng tình nghĩa láng giềng. Đến nay tôi đã hết kiên nhẫn, buộc phải làm đơn tố cáo bà Tâm”.
Đám tang chị Ngọc khiến nhiều người tiếc thương
Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Tâm ở số 3, ngõ 2, đường Phạm Hồng Thái, TP. Vinh. Sau nhiều lần bấm chuông, một người đàn ông trạc 60 tuổi ra cổng lạnh lùng trả lời: “Bà Tâm đi vắng, bấm gì bấm lắm thế?” rồi vội vã quay vào trong.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Mão – Trạm trưởng trạm y tế phường Vinh Tân cho hay: “Từ trước tới giờ chưa có một y tá, y sĩ nào là Trần Thị Tâm cả. Ở đây cũng không ai được cấp phép hành nghề y chữa trị riêng, tên Tâm như các anh phản ánh lại càng không có. Việc quản lý hệ thống y, bác sĩ trên địa bàn phường được giám sát rất kỹ lưỡng và chặt chẽ. Nếu đúng như phản ánh, tôi sẽ có kiến nghị kiểm tra, dẹp bỏ”.