Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên từ xa xưa, người Mường ở Hòa Bình đã có tập tục chia của cho người chết. Mỗi khi trong gia đình có người thân nằm xuống, người ta thường mang chôn theo cả bò, gà, dê, lợn, nồi niêu xoong chảo, thậm chí là cả người hầu.
Chết chưa phải là đã hết?
Ông Đinh Thế Sinh (SN 1940), một người đã có “thâm niên” đến mấy chục năm làm thầy mo ở Lâm Sơn, Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) kể: “Với quan niệm, người chết sang thế giới bên kia cũng cần của cải, tiền bạc để sinh sống và làm ăn, chờ ngày linh hồn hoàn toàn siêu thoát về cõi tiên nên ngày xưa, người Mường có tục lệ chôn đồ sống theo người đã chết. Ngoài ý nghĩa chôn theo để họ làm ăn và sinh sống, với họ nếu người chết được ăn no mặc ấm sẽ phù hộ cho gia đình làm ăn phát đạt và khỏe mạnh. Thế nhưng từ 30-40 năm nay, tục lệ này không còn nữa”.
Một số đồ vật được đào lên từ các ngôi mộ
Cũng theo ông Sinh thì tục ma chay của người Mường có rất nhiều khác biệt so với các dân tộc khác. Người chết ở đây sẽ được tổ chức làm ma, các con mỗi người sẽ dâng một cỗ bánh gồm đầy đủ các loại bánh chưng, bánh dầy, bánh lá… Trong khi khâm liệm, người ta sẽ làm lễ Phạm hàm cho người chết. Trước tiên thầy mo sẽ dùng chiếc đũa cả đặt ngang miệng người quá cố, sau đó thả vào một ít gạo nếp và vàng. Nhà nào có điều kiện thì bỏ vài phân vàng, nhà ít thì bỏ vài ly.
Người ta làm như vậy vì nghĩ rằng, ở thế giới nào đó, lời nói của người vừa chết sẽ có trọng lượng, như vàng như bạc. Việc cho hạt gạo nếp vào miệng để miệng dẻo như cơm nếp, nói ra toàn những lời hay, ý đẹp khiến người khác phải nghe theo, phục tùng. Người Mường còn quan niệm rằng, có tổ chức được lễ Phạm hàm, thì ở dương gian con cháu mới được tươi tốt. Sau lễ Phạm hàm là lễ Minh y, tức trao của cải, quần áo cho người chết. Trong số những của cải ấy có đủ quần áo và đồ dùng gia đình.
Ngày xưa, những người chết đi đều được chia của cải như một thành viên còn sống. Trong nhà có đồ gì thì chia cho họ cái ấy, mỗi thứ một ít nhưng phải đầy đủ cho sinh hoạt của một người. Với những gia đình nghèo, họ thường chôn theo bát, hũ, các vật dụng khác bằng sành và một ít tiền xu. Còn với những gia đình giàu có hoặc dòng dõi quan lang thì họ sẽ chôn theo người chết những đồ vật có giá trị như bát sứ, hũ men, tiền vàng, chuỗi ngọc… Những đồ vật này sẽ được chia theo tỉ lệ: của cải trong nhà phải chia đôi và của cải ngoài ruộng đồng phải chia ba cho người chết và người sống. Những đồ trang sức có quý giá sẽ được bỏ vào bên trong quan tài, còn các vật dụng khác sẽ chôn bên cạnh.
Ông Đinh Công Dũng: “Từ xa xưa, người Mường thường có tục chia của cho người chết”
Xem “cõi âm” như cõi thực
Theo ông Đinh Công Dũng, cháu đời thứ 21 của dòng họ Đinh Công ở Đống Thếch (Kim Bôi, Hòa Bình) kể lại, trước kia ông tổ họ Đinh Công của người Mường Động ở Đống Thếch là người có công với triều đình nên khi ông chết đi, ngoài chôn theo phần của cải còn được chia cả người hầu và gia súc. Những người theo hầu sẽ sống dưới một căn hầm cạnh quan tài, dưới đó cũng nuôi gà, chăn trâu… giống như cuộc sống thường ngày ở dương gian. Khi những người hầu này già và chết đi cũng được chôn ngay cạnh khu đất đó để “tiện bề chăm sóc cho chủ”.
Ngày nay, những đồ vật ấy dường như bị thay bằng đồ hàng mã, người thật được thay bằng hình nhân thế mạng. Hình nhân thế mạng là thứ tượng trưng, cũng làm tất cả những việc như chăn trâu, cắt cỏ, dọn nhà… Phàm trên dương gian có gì thì sẽ đốt thứ ấy cho người chết đi.
Theo thời gian, tục chia của cho người chết đã dần bị mai một. Có những gia đình nghèo đến nỗi chỉ có một chiếc nồi, nấu cơm chín dỡ ra rồi mới nấu canh, kho cá cũng vào chính cái nồi ấy nên người ta chẳng nỡ đem chia, mà chia rồi lấy gì cho người sống được sống tiếp. Lâu dần, tục chia của cũng bị lãng quên đi do không có của cải và hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhất là vào những năm 1945, nạn đói tràn lan, người chết như ngả rạ, chẳng có của để ăn huống chi nói đến việc đem chôn, tục lệ còn lại chỉ là hình thức..
Thầy mo Đinh Thế Sinh chia sẻ, khi làm ma cho người chết, thầy mo sẽ đọc những thứ trong nhà có, quần áo, khăn, tất… mà người thân đốt cho, sau đó dặn “cho ông/bà 15 cái áo, 15 cái khăn… ông/bà nhớ lấy, ai mua không bán, ai mượn không cho” và khi nhập quan, cho người chết những thứ gì phải kể hết nếu không họ sẽ bị trấn lột không có đồ dùng. Nhiều người trong làng, nhà có người mất, đêm nằm mơ thấy người chết về than vãn mình đói rách, không có gì cả mới đến hỏi thầy mo, tại sao cho bao nhiêu quần áo mà các cụ vẫn kêu đói rách.
Do người Mường quan niệm, dưới âm phủ cũng có cường hào, cướp giật, trộm cắp, trấn lột nên khi cho người chết thứ gì phải nói rõ mình cho gì, cho bao nhiêu và hóa sớ danh sách những vật dụng ấy nếu không sẽ bị tịch thu. Quan Phụ Lâm ở âm phủ cũng giống Hải quan trên này, những thứ đốt xuống đó mà không có giấy tờ sẽ bị thu lại. Chính vì thế mới có chuyện người âm về đòi của. Ngày xưa, khi hết 3 năm, 3 tháng, 10 ngày người ta sẽ làm lễ mãn tang, bỏ mả. Nhưng bây giờ chỉ sau 3 tháng, 10 ngày, người Mường đã làm lễ mãn tang. Từ tục lệ chia của cho người chết của người Mường xưa nên ngày nay, những kẻ chuyên đào mộ trộm đồ cổ xem đó như một kho báu lớn.
Khu mộ cổ của người Mường Động tại Đống Thếch
Kết buồn cho những kẻ trộm mộ
Ông Đinh Văn H, một người chuyên mua lại những đồ cổ mà ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình cho biết, trong những đồ vật mà người dân bản địa đào lên được từ những ngôi mộ có những thứ có tuổi đời lên đến vài trăm năm đến cả nghìn năm, của nhiều triều đại khác nhau. Trong đó còn có cả những đồ vật, tiền đồng từ Trung Quốc. Đồ vật ông mua lại có khi chỉ là chiếc bát sứ, bát men, bình cổ cho đến những chuỗi hạt ngọc, chiếc đĩa men lớn. Ông H cho biết, để phân biệt được những đồ vật được chôn sâu dưới lòng đất lâu năm phải có kỹ xảo riêng.
Để có được nguồn lợi lớn từ việc kinh doanh đồ cổ, ông H thường thuê những người Mường ở trong bản đào lên từ những ngôi mộ cổ. Nói là ngôi mộ nhưng đến bây giờ chúng chỉ còn là những ụ đất bị bào mòn theo thời gian. Trước khi đào tìm, vợ ông thường làm lễ nên hầu như lần nào đi đào cũng có thu hoạch, không nhiều thì ít. Tất nhiên, đào ở đâu, khi nào là do ông quyết định. Những người thợ chuyên đi đào đồ cổ có những kỹ xảo trong nghề riêng của mình. Họ cũng có dụng cụ như những chiếc mũi khoan để thăm dò. Theo từng âm thanh phát lên từ chiếc mũi khoan, họ có thể đoán được dưới đó có gì.
Hỏi ông H về việc bị báo oán khi trộm đồ được chia cho người chết, ông khẳng định là có chuyện này. Bởi lẽ, những người ông thuê đi đào lấy trộm đồ vật là minh chứng cho việc ấy. Có người vì lấy trộm đồ trong quan tài mà trở nên điên dại, cũng có người chẳng làm sao nhưng con cháu trong nhà cứ bỗng dưng đổ bệnh, hóa điên mà không giải thích được. Dù không tin chuyện mê tín nhưng ít nhiều ông H tin vào luật nhân quả. Chính vì thế mà từ mấy năm nay, vợ chồng ông H cũng không còn hứng thú với việc sưu tầm và mua những cổ vật đào được từ lăng, mộ.
Khi nhắc đến những người đào trộm mộ, ông Đinh Công Dũng, cháu đời thứ 21 của dòng họ Đinh Công ở Mường Động lắc đầu ngao ngán. Ông bảo: “Những người như thế nhiều lắm, nhưng họ chết rồi, giờ tôi cũng không muốn nói đến nữa. Dù sao người ta cũng chết rồi, nhắc nhớ chỉ thêm buồn”.
Người ta tin rằng, trong những ngôi mộ được chia của của người Mường có yểm bùa chú nên mới làm những kẻ hám tiền mà đào trộm bị điên dại hay người nhà không được tỉnh táo nữa. Trên thực tế thì hiện vẫn có không ít câu chuyện được lưu truyền trong nhân dân, kể về những kẻ đào trộm đồ cổ, người nặng thì chết, nhẹ thì hóa điên và hệ lụy còn kéo dài cho những thế hệ sau. Và cả những câu chuyện về các gia đình “đời cha ăn mặn” dẫn đến “đời con khát nước”.
Ông Đinh Công Dũng rầu rĩ: “Từ xưa đến nay, ông cha ta vẫn nói chết là được yên nghỉ, thế nhưng đâu phải vậy. Nhiều kẻ hám lợi còn dám dựng quan tài lên lấy của, thế nên ngày nay, người Mường ở Hòa Bình không còn giữ phong tục chia của cho người chết nữa. Phần vì không có của để chia, phần vì sợ các cụ bị lũ con cháu đời sau thất đức mà đào mộ lên để trộm. Chẳng hiểu đến khi thế hệ chúng tôi nằm xuống hết thì ai sẽ còn giữ và hiểu được phong tục truyền thống của dân tộc Mường?”.