Bí ẩn ngôi đền thiêng nghìn năm tuổi bên dòng sông Lô

Lê Hoàn| 29/09/2014 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nước tự nhiên dâng lên giúp mọi người chuyển gạch để tu sửa đền hay máy bay địch tự đâm vào núi bốc cháy là hai trong vô vàn những câu chuyện kỳ bí mà người dân thôn Bình Ca vẫn thường kể cho nhau nghe về ngôi đền Ba Khuân nghìn năm tuổi rất linh thiêng.

Ngôi đền cổ nằm trên mảnh đất thiêng

Ngôi đền Ba Khuân nằm trên ngọn núi Ba Cô thuộc thôn Bình Ca, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương, Tuyên Quang ) được xây dựng từ bao giờ thì rất ít người biết, chỉ nghe tương truyền rằng đền được xây dựng từ thời đánh đuổi quân Hán xâm lược nước ta.

Trong cuộc kháng chiến này nổi lên một vị tướng tài giỏi là Bàn Chúa Bầu, ở  xóm Bãi Phủ (nay là xã An Khang, huyện Yên Sơn). Ông Bàn Chúa Bầu có 3 người vợ, hai người tên gọi là Bạch Hoa, Quế Hoa, còn người vợ thứ ba không ai nhớ họ tên. Cả 3 người đều cùng chồng lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược.

Trong một lần chống giặc, đội quân của tướng Bàn Chúa Bầu bị thất thủ. Ông Bàn Chúa Bầu và 3 người vợ bị quân giặc truy đuổi. Vợ ba của ông chẳng may bị giặc bắt, dụ hàng không được nên chúng đã chém bà làm ba khúc rồi đem vứt xuống sông Lô.

 Hai bà Bạch Hoa và Quế Hoa vì không muốn rơi vào tay giặc nên đã gieo mình xuống vực Điền Quân (vực trước cửa đền Ba Khuôn bây giờ) tự vẫn.

Sau đó, khi mọi người đưa các bà lên bờ để an táng thì ngày hôm sau nơi đặt thi thể 3 bà mối đã đắp thành một đống to. Mọi người thấy sự linh thiêng cũng như cảm phục tấm lòng trung nghĩa của Bạch Hoa, Quế Hoa và cái chết bi thảm của bà ba, dân làng đã đóng góp xây đền thờ 3 bà.  

Bí ẩn ngôi đền thiêng nghìn năm tuổi bên dòng sông Lô

Đôi rắn thân làm bằng gỗ trong đền

Đền Ba Khuân dựng theo thuyết phong thuỷ “Tiền minh đường hữu hậu chẩm”, tức cửa đền quay về phía dòng sông Lô uốn khúc là nơi tụ thuỷ, tụ phúc; xa xa có ngọn núi và chùa Hang làm bức bình phong phía trước, lưng đền dựa vào sườn núi Ba Cô tạo thành thế “sơn bao thuỷ bọc”. Ngôi đền còn  được mọi người ví như đầu rồng, thân và đuôi rồng nằm thoải theo núi Ba Cô, rồng há miệng rộng, thè lưỡi uống nước xanh mát của dòng Lô tại bến Bình Ca.

Tại nơi đây, một con gà gáy cả ba xã đều nghe được, bởi đây là giao điểm của xã An Khang và Tiến Bộ (Yên Sơn), Vĩnh Lợi (Sơn Dương). Cũng vì địa thế như vậy mà trong chiến tranh nơi đây cũng từng chứng kiến nhiều chiến tích oai hùng của quân dân đánh thắng giặc Pháp.

 Ngày 12-10-1947, Tiểu đoàn 42 dùng súng bazôca đã bắn chìm một pháo thuyền Pháp trên sông Lô và đánh lui một trận đổ bộ của chúng vào sáng ngày 13-10-1947, tiêu diệt 20 tên giặc, bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía tây Việt Bắc, làm chủ con đường huyết mạch Bình Ca - Thái Nguyên, nối vùng tự do rộng lớn với nhau. Sau này Bình Ca trở thành một bến phà chiến lược quan trọng nối quốc lộ 37 từ Thái Nguyên qua bến Bình Ca, xã Vĩnh Lợi, sang xã An Khang gặp quốc lộ 2 tuyến Tuyên Quang - Hà Nội ở km 5. Quốc lộ 37 tiếp tục chạy qua Mỹ Lâm (nơi có suối nước khoáng nóng) đi Yên Bái, rồi một số tỉnh thông với Điện Biên.

 

Những chuyện kỳ bí về chuyện lấy một thì phải đền mười

Kể về chuyện linh thiêng của ngôi đền, bà Nguyễn Thị Đông ( 69 tuổi ), đã có 30 năm làm chủ nhang của đền cho biết “Ngôi đền Ba Khuân rất linh thiêng, nhiều năm nay nhận thấy đây là vùng đất sông nước linh thiêng nên nhân dân trong vùng đã quyên góp xây dựng và sửa sang lại đền”.

Những năm kháng chiến chống Pháp, ngoài câu chuyện chiến thắng giặc Pháp năm 1947 còn có chuyện năm 1951 thực dân Pháp lại cho máy bay oanh tạc bến phà Bình Ca nhằm ngăn chặn sự tiếp tế của ta theo quốc lộ 37 lên chiến trường Tây Bắc, trong đó có một chiếc đã lao vào núi Ba Cô bốc cháy. Mọi người đều cho rằng chính sự linh thiêng của đền Ba Khuân đã phù hộ cho quân dân chiến thắng quân xâm lược.

Bà Đông cũng kể lại những câu chuyện kỳ bí linh thiêng của ngôi đền mà mọi người trong vùng vẫn thường truyền tai cho nhau nghe. Trước đây, khi ngôi đền còn đơn sơ, có một vị khách từ Hà Nội lên, muốn công đức cho đền bèn mua gạch để xây dựng đường lên đền, nhưng đường lên đền lại cao, vận chuyển hết sức khó khăn vất vả.Bà than thở: Không biết làm thế nào chuyển được gạch lên đền bây giờ? Ngay sau đó, nước suối dâng lên đến 19m gần đền và toàn bộ số gạch nhanh chóng được chuyển về xây đền”.

Về câu chuyện lấy một phải trả lại mười thì bà Đông kể lại : Cách đây khoảng 15 năm, có một người đàn bà tên Ớt, trong lúc quét dọn đã lấy đi 10 cái bát trong đền. Tối hôm đó tự nhiên đầu óc bấn loạn, mê man, mọi người tìm hiểu mới biết người này đã lấy trộm bát trong đền. Sau đó, người thân bà đã đi mua 20 cái bát đến để tạ lỗi nhưng không vẫn khỏi. Đến một hôm, bất ngờ người đàn bà này ngã từ trên tầng của ngôi nhà mình đang ở xuống đất mà chết. Mọi người cho rằng đó là họ đã không trả đủ gấp mười lần đã lấy của ngôi đền.

Bí ẩn ngôi đền thiêng nghìn năm tuổi bên dòng sông Lô

Chủ nhang đền Ba Khuân bà Nguyễn Thị Đông

Tiếp đến, có một câu chuyện hết sức kỳ lại cách đây gần 10 năm, khi đó có một người bộ đội ở Việt Trì ( tỉnh Phú Thọ) đi thăm đền, thấy có đôi rắn bằng gỗ dùng để thờ trong đền, tò mò, người này lấy lấy xuống cưa ra xem bên trong có gì thì ngày hôm sau không hiểu sao cứ sáng sớm là người này lại đi từ Phú Thọ lên đền để quét dọn, cứ quét mà không biết mình đang làm gì. Cứ quét như vậy, trong vòng mươi ngày cùng với làm lại đôi rắn và lễ chuộc tội với ngôi đền thì anh ta trở lại bình thường.

Sau ngôi đền có cây thị to, ba người ôm không hết, có người đã thấy xuất hiện rắng trắng có mào đỏ quấn trên cây rồi lại đi đâu không ai biết. Người đến đền thắp hương từ nhiều nơi ngoài người dân trong tỉnh Tuyên Quang còn có cả ở Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên...Khách đến ngày một đông nhưng lại vô cùng trật tự, quy củ không có cảnh hỗn loạn nhốn nháo.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng, trưởng thôn Bình Ca cho biết, đền Ba Khuân trên núi Ba Cô đã được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh, chính quyền thôn cũng tạo mọi điều kiện cho mọi người đến thăm đền.

Thôn chúng tôi đã đề nghị với huyện và tỉnh để tu sửa con đường 2,6 km vào đền, hiện tại đã thi công được 70% và sẽ hoàn tất trong năm nay để khách viếng đền thuận tiện đi lại.

Còn chuyện Thần thánh ở ngôi đền vẫn chỉ là lời đồn đại của người dân trong vùng, vì thực tế thì  chưa có bằng chứng nào để chứng minh điều đó. Những chuyện về lấy một trả mười ngôi đền có thể chỉ là ngẫu nhiên tuy nhiên đối với người dân trong vùng thì ngôi đền Ba Khuôn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí ẩn ngôi đền thiêng nghìn năm tuổi bên dòng sông Lô