Trong lúc chơi đùa với chú chó becgie của gia đình nuôi, bé trai 4 tuổi bất ngờ bị chó cắn phải nhập viện với nhiều vết thương vùng mặt, đầu.
Ngày 18/4, bác sĩ Lê Ngọc Thắng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, vừa tiếp nhận một bệnh nhân là bé trai 4 tuổi, được bố mẹ đưa tới trong tình trạng có nhiều vết thương chảy máu ở vùng đầu và mặt do bị chó cắn.
Theo lời kể của người nhà, bé chơi trước sân, đụng phải chó becgie nhà nuôi và bị con vật quay lại tấn công.
"Bệnh nhân bị chấn thương phần mềm vùng mặt và mắt, trong đó có vết thương lóc da đầu dài hơn 10 cm. Ê kíp trực phải phối hợp nhiều chuyên khoa mới khâu được liền các vết thương", bác sĩ Thắng nói.
Bác sĩ khâu vết thương cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Thắng
Sau khi khâu xong, cháu bé đã được tiêm phòng uốn ván, kê đơn kháng sinh và đưa về nhà điều trị ngoại trú theo nguyện vọng của gia đình. "Chúng tôi động viên gia đình đưa con tái khám định kỳ và theo dõi diễn biến của chó xem có bất thường gì không để đề phòng", bác sĩ Thắng cho hay.
Trước đó, tại thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng xảy ra trường hợp 5 người bị “chó điên” tấn công, trong đó có một bé gái 5 tuổi bị nặng nhất với vết thương ở vùng miệng phải khâu 13 mũi.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên hạn chế nuôi nhốt động vật có nguy cơ mắc bệnh dại. Nếu nuôi phải tuân thủ quy định nhốt, thắt dây an toàn, đeo rọ mõm để đảm bảo an toàn. Hạn chế tiếp xúc với động vật nuôi nhốt, nhất là đối với trẻ em.
Khi bị chó cắn cần sơ cứu đúng cách và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đủ điều kiện để cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, không vì tức giận mà đánh hoặc giết chết chó mà phải cho nó ăn uống và theo dõi sát tình trạng sức khỏe.
Trong vòng 10 - 15 ngày, nếu con chó cắn người có các dấu hiệu như bỏ ăn, ốm, mất tích hay chết thì phải lập tức đưa bệnh nhân đi tiêm phòng dại. Đối với những trường hợp vết thương phức tạp, gần thần kinh trung ương thì cần phải sớm tiêm phòng dại và theo dõi con chó trong suốt 10 - 15 ngày. Nếu con chó đó bình thường thì mới ngừng tiêm.