Bế mạc Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

PV| 21/12/2021 20:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 21/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã bế mạc Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 3,5 ngày làm việc của 2 đợt họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp.

202112211736024330_dsc_7542.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp.

Về chuẩn bị Kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, nhất trí 3 nội dung cơ bản trình Quốc hội tại Kỳ họp  dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 1/2022, đó là: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan và Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn;

Tiếp đên là chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư toàn bộ dự án này bằng hình thức đầu tư công và lưu ý Chính phủ cần bổ sung thuyết minh làm rõ một số vấn đề của dự án, bảo đảm phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật;

Cuối cùng là, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thông qua Nghị quyết về gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hành miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành ngay trong tháng 12.

202112210920533486_dsc_6580.jpg

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét sửa đổi Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 ngày 20/9/2012 về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội; nhất trí trước mắt chỉ điều chỉnh một số định mức chi không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và quy định của pháp luật nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội. Giai đoạn 2 sẽ nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, tổng thể, đồng bộ, phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương và các quy định của pháp luật.

Về chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được thông qua, Chủ tịch Quốc hội giao các cơ quan có liên quan, trực tiếp là Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận để hoàn thiện chương trình, xin ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua chương trình hoạt động đối ngoại của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; cho ý kiến về chương trình đối ngoại hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội; giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu tối đa ý kiến, hoàn thiện dự thảo chương trình.

Trước khi bế mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày. Theo đó, đa số ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường theo trình tự, thủ tục rút gọn, đồng thời thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Cần Thơ được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội