Cử tri đề nghị làm rõ những sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á

Mai Thoa| 21/12/2021 12:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 21/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã diễn ra Phiên họp thứ 6 (đợt 2) UBTVQH. Các đại biểu đã cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội.

Theo Báo cáo của Ủy ban Dân nguyện, công tác dân nguyện của Quốc hội được các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội quan tâm, chú trọng. Các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được duy trì thường xuyên và thực hiện ngày càng hiệu quả.

202112210920533486_dsc_6580.jpg

Công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, thường xuyên theo dõi, rà soát kết quả giải quyết đơn của cơ quan có thẩm quyền. Kịp thời ban hành văn bản đôn đốc đối với những trường hợp quá thời hạn, cơ quan có thẩm quyền chậm giải quyết, qua đó đã góp phần thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài.

515/536 kiến nghị đã được giải quyết

Qua giám sát, ghi nhận các kiến nghị của cử tri liên quan đến các nội dung như:

Giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống và sản xuất tăng cao trong khi đời sống, sản xuất của người dân còn gặp nhiều khó khăn, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, gia cầm và thực hiện các chính sách trợ giá nông sản, hỗ trợ thiệt hại về cây ăn trái bị mất mùa, mất giá, không tiêu thụ được nông sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để người dân an tâm sản xuất và đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp về tăng cường nhân lực, vật tư và trang thiết bị y tế cho các địa phương, quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; tăng mức độ bao phủ tiêm chủng cho toàn dân để người dân được an tâm đi làm việc trở lại, các cháu học sinh được di học đến trường.

Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường hoạt động giám sát, đổi mới cách thức tiến hành giám sát, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát.

Ủy ban Dân nguyện cũng cho biết, sau Kỳ họp thứ nhất, đã tổng hợp được 536 kiến nghị cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội gửi đến và chuyển kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, có 515/536 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 96,08% .

Về kiến nghị cử tri tiếp xúc trước và sau Kỳ họp thứ hai, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.707 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết .

Mặc dù chưa đến thời hạn giải quyết, trả lời nhưng đã có 260/1.707 kiến nghị của cử tri gửi đến sau trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã được giải quyết, trả lời. Một số cơ quan đã nhanh chóng nghiên cứu, giải quyết trả lời đầy đủ kiến nghị cử tri gửi đến như: Bộ Công an trả lời 55/55 kiến nghị, Ủy ban Tư Pháp trả lời 4/4 kiến nghị...

Liên quan đến tình hình khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Dân nguyện cho hay: Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài đã được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nhất là các địa phương tiềm ẩn nguy cơ phát sinh thành “điểm nóng” về khiếu kiện. Cơ quan hành chính các cấp đã lập danh sách 1.003 vụ việc để rà soát và đến nay đã thực hiện rà soát xong 891 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,83%; trong số đó, có 716 vụ việc thuộc trách nhiệm của các địa phương đã được các địa phương rà soát xong 686 vụ việc đạt tỷ lệ 95,81%.

Các cơ quan của Quốc hội, Ban công tác đại biểu và Ban Dân nguyện nhận được 1.389 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; trong đó có 333 đơn đủ điều kiện xử lý, 952 đơn không đủ điều kiện xử lý (chiếm đến 68,53%).

Ban Dân nguyện cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn. Cụ thể: Hoạt động xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH chủ yếu là việc chuyển đơn, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền mà chưa tập trung nhiều vào việc nghiên cứu chuyên sâu để phát hiện những vướng mắc, bất cập về thể chế để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Việc tổ chức, thực hiện giám sát việc giải quyết đối với các vụ việc nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm chưa thực hiện được nhiều mà chủ yếu thực hiện giám sát thông qua việc xem xét báo cáo định kỳ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Đơn giám đốc thẩm quá nhiều so với khả năng giải quyết của các cơ quan

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: Ban dân nguyện đã tích cực phối hợp với các cơ trong việc quan theo dõi, đôn đốc giải quyết đơn thư. Nên sau kỳ họp số lượng đơn thư được giải quyết với số lượng đáng kể, nhanh.

tran-thanh-man.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Liên quan đến tình hình chung, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến các vấn đề mà cử tri quan tâm, kiến nghị. Đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành nghị quyết 30 để phát triển kinh tế xã hội trong thời điểm dịch bệnh, nhưng cử tri và nhân dân cũng rất lo lắng về tình hình dịch bệnh, thất nghiệp, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị: Báo cáo làm sao phản ánh được những vấn đề mang tính thời sự mà cử tri và nhân dân quan tâm. Hiện nay, cử tri đang rất bức xúc về việc thổi giá kít xét nghiệm của Công ty Việt Á. Nhưng điều quan tâm nhất vẫn là chất lượng thực tế của các bộ xét nghiệm này có đáp ứng được yêu cầu hay không? Rồi trách nhiệm của các cơ quan liên quan xung quanh vấn đề này. Nhiều địa phương đấu thầu với giá rất cao, trong khi nếu như mua của nước ngoài về giá chỉ vài đô... cử tri đề nghị làm rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với các ý kiến đóng góp, đồng thời kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, cần tăng cường hơn nữa việc giám sát đôn đốc thực hiện việc trả lời đơn thư. Những vấn đề nóng mà cử tri quan tâm, các ủy ban của Quốc hội cùng phối hợp với các cơ quan liên quan để có được thông tin báo cáo sớm nhất đến Quốc hội nắm được.

Tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã báo cáo giải trình thêm một số nội dung liên quan.

Phó Chánh án TANDTC khẳng định, việc trả lời đơn thư của TANDTC luôn trên tinh thần giải quyết/trả lời nhanh. Còn một số vụ việc chưa trả lời do TANDTC đang chờ ý kiến của một số cơ quan liên quan.

Về một số vụ việc nổi lên trong thời gian gần đây, như đương sự uống thuốc sâu tự tự tại Tòa… Hiện vụ việc đang được TANDTC xem xét Tòa cấp dưới giải quyết vụ việc có đúng trình tự hay không. Tuy nhiên xem xét góc độ khác, việc đương sự tự tử tại Tòa là một cách làm nhằm uy hiếp Tòa án. Những năm gần đây tình trạng này diễn ra khá nhiều. Qua báo cáo ban đầu cho thấy, những vụ việc này có sự dàn xếp để tạo áp lực cho Tòa án khi xét xử. Khi có yêu cầu, TANDTC sẽ báo cáo cụ thể về vấn đề này, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết.

Còn theo đại diện VKSNDTC, đơn để nghị giám đốc thẩm, tái thẩm số lượng đơn đề nghị rất nhiều. Các cơ quan tố tụng xem xét, giải quyết nhưng do số đơn quá nhiều so với năng lực giải quyết của các cơ quan nên số tồn đọng nhiều.

Những trường hợp sai trong tố tụng giải quyết như thế nào? Đại diện VKSNDTC cho biết, hiện nay Luật BTNN chỉ đề cập đến vấn đề oan, còn sai chưa có quy định để giải quyết. Hiện nay  chưa có quy định của pháp luật, cũng như nguồn lực để giải quyết về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cử tri đề nghị làm rõ những sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á