Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 3 ngày làm việc với tinh thần tích cực, trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra tại Phiên họp thứ 47.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên bế mạc
Chiều ngày 12/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 47.
Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Phiên họp theo đúng tinh thần có sự giãn cách nhất định, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau 03 ngày làm việc với tinh thần tích cực, trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra tại Phiên họp thứ 47. Cụ thể:
Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội; Xem xét dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; Cho ý kiến về Báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, ngay sau Phiên họp này, các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan hoàn thiện các nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh thêm một bước. Những nội dung nào đủ điều kiện thì sẽ chuẩn bị trình ra Quốc hội, những nội dung nào còn tiếp tục cho ý kiến tại Phiên họp thứ 48 và trước Kỳ họp Quốc hội thứ 10 thì cần sắp xếp, đảm bảo đẩy nhanh thời gian, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ công việc.
Trước khi bế mạc phiên họp 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về tầm nhìn xây dựng Kiểm toán nhà nước xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; Nhất trí với giá trị cốt lõi của Kiểm toán nhà nước là “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Không ngừng gia tăng giá trị’.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn: “Không ngừng gia tăng giá trị”, hơi khó hiểu, giá trị kiểm toán hay là giá trị vi phạm, phát hiện? Nhưng theo tôi nếu chức năng nhiện vụ, quyền hạn gắn với 8 chữ rất giỏi “Độc lập, liêm chính, chuyên nghiệp và uy tín là tốt lắm. Tôi đề nghị cân nhắc”.
Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị: “Kiểm toán là cơ quan mà sự vững mạnh, trong sạch quyết định lớn đến hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng chúng tôi đề nghị nhấn mạnh hơn ở nâng cao năng lực bộ máy, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán. Chúng tôi đề nghị, để kiểm toán hỗ trợ tích cực hơn trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong phòng chống tham nhũng và sát cánh cùng các cơ quan của quốc hội trong hoạt động giám sát”.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên khẳng định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước. Việc lần này cụ thể hóa địa vị pháp lý, làm cho đầy đủ thiết chế do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và tuân thủ pháp luật. Nhấn mạnh vai trò của Kiểm toán Nhà nước là công cụ kiểm tra, kiểm soát tài sản, tài sản chính công của nhà nước, công cụ góp phần phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất, hướng đến mỗi năm tổ chức kiểm toán 1 lần. Nhất trí trong chiến lược 10 năm tới của Kiểm toán Nhà nước sẽ có Học viện Kiểm toán, nhưng phải đảm bảo thủ tục, được bổ sung quy hoạch trong mạng lưới các trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được sự đồng ý các cơ quan liên quan, gắn thực tiễn đào tạo và nghiên cứu khoa học.
“Đồng ý Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ban hành Chiến lược về Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030. Hôm nay rất mừng là kiểm toán của chúng ta sau bao nhiêu năm hình thành, phát triển về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất ngày càng hiện đại. Quốc hội khi bàn quyết toán ngân sách, quyết toán ngân sách, về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước đều lấy cơ sở báo cáo kiểm toán Nhà nước ra để thảo luận, có nghĩa là rất tin tưởng kết quả kiểm toán của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.