Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận ca bệnh bé trai 8 tháng tuổi (ngụ Cần Thơ) nuốt chửng bọ cánh cứng trong tình trạng tím tái, suy hô hấp cấp.
Theo người nhà của bé trai N.V.C.T. (8 tháng tuổi, ngụ Cần Thơ), khi phát hiện con bọ cánh cứng bay vào nhà, mẹ của bé trai này liền xua đuổi. Tuy nhiên, con bọ cánh cứng đã đậu vào tay bé. Mẹ bé chưa kịp đuổi thì con côn trùng đã bay thẳng vào miệng bé trai.
Hoảng sợ, người mẹ đưa tay vào miệng con để móc bọ, tuy nhiên, chỉ lấy ra được 1 phần, xác con bọ sau đó chui sâu vào khí quản, xuống tới carina - nơi khí quản chia làm 2 nhánh, khiến bé trai bị ho, tím tái, có dấu hiệu suy hô hấp.
Con bọ nằm trong khí quản bé trai
Gia đình đã chuyển bé đến Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ phải đặt nội khí quản cho bé thở và lập tức chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
BS. Nguyễn Thế Huy – Phó khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, thông qua hình ảnh nội soi, niêm mạc khí quản của bé bị phù nề, con bọ (khoảng 2cm) nằm ngay vị trí chia 2 thùy phế quản (trái - phải). Đặc biệt, bọ cánh cứng đã sống trong khí quản của bé khoảng 8 tiếng đồng hồ, tiết ra những chất làm đầy lòng khí quản, làm dơ lòng khí quản và gây phù nề ở đây.
Trong lần nội soi đầu tiên, các bác sĩ chỉ gắp được nửa thân dưới (vùng bụng) của con bọ, phần còn lại tiếp tục lọt sâu hơn xuống đường thở.
Bằng các giải pháp chuyên môn, bác sĩ đã khai thông đường thở cho bệnh nhi, đồng thời chăm sóc, theo dõi tích cực tình trạng hô hấp. Sau khi các chỉ số sinh hiệu đã ổn định, cuộc nội soi lần thứ 2 được thực hiện.
Qua nhiều lần gắp, toàn bộ xác (bị vỡ nhiều mảnh) của con bọ nằm trong đường thở của bé đã được lấy ra ngoài.
Những mảnh xác bọ cánh cứng đã được các bác sĩ gắp ra khỏi đường thở của bé trai
Chiều 8/6, sức khỏe của bé trai đã ổn định. Bé may mắn không bị xẹp phổi cũng như ảnh hưởng đến hệ thần kinh do thiếu ôxy nuôi não.
BS Huy cho biết thêm, trong hơn 30 năm công tác thì đây mới là lần đầu tiên gặp trường hợp như của bé trai 8 tháng.
Bác sĩ Huy cho rằng, để côn trùng chui vào đường thở của bé trai này là do phụ huynh không biết cách xử lý lúc côn trùng bay vào miệng. Thay vì vỗ lưng, ấn ngực để cho hơi bắn ra tống côn trùng ra ngoài thì người mẹ này lại móc họng bé để lấy côn trùng. Điều này tạo điều kiện đẩy con côn trùng chui vào bên trong thanh môn làm cho bé tím tái rồi suy hô hấp nặng.