Theo chuyên gia pháp lý, hành vi chưa đăng ký mà sử dụng thiết bị flycam trên bầu trời có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp cá nhân sử dụng bay flycam chụp hình khi chưa đăng ký giấy phép.
Mới đây nhất, Chủ tịch UBND TP Hải Dương vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Trần Xuân D. (SN 1978, làm nghề nhiếp ảnh, ở thôn Phú Xá, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) về hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Qua xác minh, cơ quan chức năng làm rõ, trưa 24/9, anh D. đã sử dụng thiết bị bay (flycam) mang nhãn hiệu Mavic 3P10 để chụp hình trụ sở UBND tỉnh Hải Dương, là khu vực cấm quay phim, chụp ảnh. Trong khi đó, thiết bị bay này chưa đăng ký cấp phép bay, cùng với đó anh D. tổ chức điều khiển thiết bị bay chụp ảnh từ trên không khi chưa có giấy phép.
Cơ quan chức năng TP Hải Dương xác định, hành vi của anh D. vi phạm các quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền 15 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền anh D. còn bị tịch thu tang vật vi phạm là thiết bị bay nêu trên.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, (Giám đốc Công ty luật TNHH Chính Tín, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Pháp luật hiện hành quy định, các cá nhân, tổ chức trước khi điều khiển flycam phải làm thủ tục xin phép bay do hoạt động bay có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.
Cụ thể, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP nghiêm cấm các hành vi: Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay; tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định; vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia; mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay; phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại; lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép; treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay; không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.
“Những hành vi không đăng ký mà cho bay flycam trên bầu trời còn có thể bị xử lý hành chính; trường hợp gây ra các hậu quả đến tính mạng, danh dự, sức khoẻ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Toàn lưu ý.
Đối với việc xin hồ sơ đề nghị cấp phép bay, theo luật sư Toàn, tổ chức, cá nhân cần nộp đơn đề nghị cấp phép bay lên Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng), gồm tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc cá nhân, tổ chức được cấp phép; đặc điểm nhận dạng flycam, thông số kỹ thuật, mục đích bay… Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Tác chiến sẽ cấp phép tổ theo đúng quy định.
Luật sư Toàn cho biết thêm, từ 1/1/2025, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 chính thưc có hiệu lực thi hành. Theo đó, tại khoản 2, Điều 23 quy định người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp như: Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện không người lái trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.
Vì vậy, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra, các cá nhân, tổ chức sử dụng flycam cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định được Nhà nước và pháp luật ban hành về quản lý, sử dụng thiết bị này.