Theo kế hoạch, từ ngày 16 đến 29/4/2014, TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng 8 đồng phạm với 4 tội danh. Từ một người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, Nguyễn Đức Kiên làm nhiều người phải thán phục, nể trọng...
Tuy nhiên, đằng sau sự nổi tiếng ấy là vòng xoáy nghiệt ngã của thương trường, bởi vậy, Nguyễn Đức Kiên phạm phải nhiều sai lầm đến nỗi tiền tài, danh vọng tuột khỏi tầm tay và kết cục là phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật…
Bất chấp để kiếm tiền trái phép
Nguyễn Đức Kiên là cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) từ năm 1993, trong đó Kiên sở hữu 31.696.183 cổ phần, chiếm 3,37% cổ phần Ngân hàng ACB. Sau đó, Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Ngân hàng ACB từ năm 2003 đến tháng 8/2010 và đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB nhiệm kỳ 1994 đến 2008. Đến cuối năm 2007, Nguyễn Đức Kiên không tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB nhưng là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB. Với vị trí là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.
Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng ACB
Ngoài việc là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên còn đứng ra thành lập, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị/Chủ tịch Hội đồng thành viên của 6 công ty gồm: Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam); Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (Công ty B&B); Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu (Công ty AFG); Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI); Công ty CP Đầu tư Á Châu (Công ty ACI); Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Công ty ACI-HN). Thông qua việc chỉ đạo, điều hành hoạt động đối với các công ty trên và lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên đã mặc sức làm mưa, làm gió trên thương trường.
Mặc dù 5 công ty gồm: Công ty B&B, Công ty AFG, Công ty ACBI, Công ty ACI, Công ty ACI-HN không được cấp giấy phép ngành nghề kinh doanh tài chính, nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo các công ty này sử dụng hàng nghìn tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác hoặc mua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB, mua cổ phiếu của Ngân hàng Techcombank, Eximbank, DaiAbank, Vietbank, KienLongbank… Miệt mài với kinh doanh tài chính trái phép, Nguyễn Đức Kiên đã có trong tay nhiều nghìn tỷ đồng cổ phiếu. Tuy nhiên, khi thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và thực hiện việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên và các cá nhân đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền 687 tỷ 723,7 triệu đồng.
Nổi tiếng giàu có là vậy nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn tham tiền khi Công ty ACBI do Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của Công ty CP TNHH một thành viên Thép Hòa Phát với số tiền 264 tỷ đồng. Cụ thể là, Công ty ACBI của Nguyễn Đức Kiên đang thế chấp 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại Ngân hàng ACB. Với tư cách là người lãnh đạo Công ty ACBI, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo cấp dưới lập khống biên bản họp Hội đồng quản trị và Quyết định của Hội đồng quản trị thể hiện chủ trương của Hội đồng quản trị Công ty ACBI bán 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát mà Công ty ACBI đang sở hữu để tạo lòng tin cho Công ty TNHH một thành viên CP Thép Hòa Phát ký hợp đồng mua cổ phần và chuyển giao số tiền 264 tỷ đồng nhưng không được sở hữu cổ phần đã mua. Sau khi chiếm đoạt được số tiền 264 tỷ đồng của Công ty Hòa Phát, Nguyễn Đức Kiên đã dùng số tiền này để chi trả cho các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, còn 72,5 tỷ đồng, Kiên sử dụng vào việc riêng và chi tiêu cá nhân.
Quay cuồng với thị trường vàng
Tiền nhiều đến đâu cũng là không đủ, chính vì vậy khi là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Nam, năm 2009, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo ký văn bản thỏa thuận với Ngân hàng Vietbank về việc Công ty Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietbank với Ngân hàng ACB. Theo thỏa thuận, Công ty Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam với khối lượng trạng thái bán là 150.000 Ounce, trị giá 2.907 tỷ 38,1 triệu đồng; khối lượng trạng thái mua là 6.250 Ounce, trị giá 141 tỷ 573 triệu đồng. Thực hiện thỏa thuận trên, từ ngày 30/11/2009 đến ngày 30/7/2010, Công ty Thiên Nam đã tiếp nhận và thực hiện việc mua, bán trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài tổng số 462.500 Ounce, trị giá 9.796 tỷ 682 triệu đồng. Sau khi tất toán kinh doanh trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài, Công ty Thiên Nam bị lỗ 413 tỷ tỷ 676 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Thiên Nam còn kinh doanh vàng trạng thái trong nước để tất toán trạng thái bán và bị lỗ 19 tỷ 660 triệu đồng. Như vậy, mặc dù Công ty Thiên Nam không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái, nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty Thiên Nam ký hợp đồng với Ngân hàng ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản ở nước ngoài và trong nước với tổng khối lượng giao dịch mua, bán là 462.500 Ounce, 75.000 lương vàng SJC tổng giá trị 11.777 tỷ 443 triệu đồng. Kết quả kinh doanh trạng thái vàng ở nước ngoài và trong nước, Công ty Thiên Nam bị lỗ tổng số tiền 443 tỷ 337 triệu đồng.
Nguyễn Đức Kiên khai tại Cơ quan điều tra
Ngậm “quả đắng” từ kinh doanh vàng trái phép ở Công ty Thiên Nam, “thua keo này, bày keo khác” nên Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B (do Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị, là người đại diện theo pháp luật) ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB với nội dung: Công ty B&B ủy thác cho Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam theo văn bản của Công ty B&B. Thực hiện hợp đồng, Công ty B&B đã có văn bản ủy thác cho Ngân hàng ACB mở trạng thái vàng bằng 117 lệnh và đã tất toán vàng trạng thái mở bằng 142 lệnh đóng (gồm 89 lệnh mua, 53 lệnh bán). Tổng khối lượng giao dịch trạng thái vàng mua và bán là 440.250 Ounce; sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Công ty B&B thu được lãi số tiền 100 tỷ 46,8 triệu đồng. Lãi to, nhưng do lòng tham, nên khi biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và Phụ lục hợp đồng để Công ty B&B chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng cho bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) thụ hưởng nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty B&B số tiền 25 tỷ 11,7 triệu đồng.
Dấn thân vào bóng đá
Có tiền, có quyền lực trong giới ngân hàng và các lĩnh vực kinh doanh khác, nhưng Nguyễn Đức Kiên không chịu dừng chân mà nhận thấy rằng bóng đá cũng là một lĩnh vực kinh doanh có không ít lợi nhuận. Thế rồi Nguyễn Đức Kiên lao vào bóng đá và được xem là một trong những doanh nhân đầu tiên kinh doanh bóng đá. Cái tên “bầu Kiên” gắn với tên tuổi của Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB và Câu lạc bộ Trẻ Hà Nội. Bầu Kiên nổi tiếng bạo miệng và bạo chi cùng nhiều phát ngôn gây chấn động môn thể thao vua của nước nhà khi vào tháng 9/2011, dù không được mời tham dự trong lễ tổng kết mùa giải của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), bầu Kiên đã có bài phát biểu được đánh giá là táo bạo gây chấn động khi công kích thẳng những tiêu cực tồn tại từ lâu của VFF và bóng đá Việt Nam. Ông chủ Hà Nội ACB bầu Kiên tiếp tục gây chấn động giới thể thao trong nước bởi thương vụ mua tiền đạo Lê Công Vinh được coi là số 1 Việt Nam với số tiền phải bỏ ra được tiết lộ là 13 tỷ đồng. Đặc biệt, sau khi CLB trẻ Hà Nội trụ hạng thành công ở giải hạng Nhất, bầu Kiên bạo tay thưởng nóng tới 1 tỷ đồng cho đội bóng, trong khi trước đó, chính bầu Kiên là người đưa ra quy định cấm các Câu lạc bộ thưởng quá 500 triệu đồng.
Bầu Kiên chỉ đạo các cầu thủ trên sân cỏ
Ngoài ra, bầu Kiên cũng được biết đến trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần viễn thông - truyền thông An Viên (AVG), cũng là người đi đầu trong việc cải tổ lại ban tổ chức và bộ máy lãnh đạo bóng đá Việt Nam. Ngày 4/11/2011, tại đại hội thường niên, VFF đã buộc phải thừa nhận đề án thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), trong đó bầu Kiên là Phó Chủ tịch. Trong lĩnh vực kinh doanh bóng đá chẳng biết bầu Kiên thua, thắng được bao nhiêu, nhưng rồi hai câu lạc bộ bóng đá của bầu Kiên đã bị tan tác do không còn kinh phí hoạt động.
Khốn nạn vì “siêu lừa” Huyền Như
Nổi tiếng là “cáo già” trong giới tài chính ngân hàng và cực kỳ cẩn thận, chắc chắn trong làm ăn kinh tế nhất là trong những phi vụ làm ăn lớn, nhưng “Kiên đầu bạc” cùng những cái đầu uyên bác của Ngân hàng ACB (do Nguyễn Đức Kiên là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập) dạn dày kinh nghiệm trong thường trường đã bị một Huyền Như “liễu yếu đào tơ” tặng cho một cú lừa ngoạn mục trong phi vụ làm ăn mà Kiên tưởng rằng thắng đậm.
Vào tháng 3/2010, Ngân hàng ACB tồn đọng một lượng tiền lớn mà không biết kinh doanh vào đâu. Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB triệu tập một cuộc họp gấp có sự tham gia của ông Trần Mộng Hùng và Nguyễn Đức Kiên với vai trò là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Hội đồng đầu tư, Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB. Tại cuộc họp này, để giảm áp lực bị lỗ khi nhận tiền tiết kiệm nhưng không cho vay được, ông Trần Mộng Hùng đã đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi. Lúc này Nguyễn Đức Kiên có ý kiến chỉ đạo, không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB, đồng nghĩa với việc không được giảm lãi suất huy động tiền gửi. Khi đó, Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên của Ngân hàng ACB đem tiền đi gửi tại các Ngân hàng để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng “hoa hồng” từ các chương trình khuyến mại theo quy định từng ngân hàng. Thấy “kế” của Lý Xuân Hải quá hay, bầu Kiên là người đầu tiên tán thưởng đồng ý. Sau đó các thành viên HĐQT là ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất nội dung và ký biên bản.
“Ngửi” được món tiền khổng lồ, lúc này Huỳnh Thị Huyền Như, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (đang khát tiền do làm ăn thua lỗ) đã “rắc thính thơm” đánh vào lòng tham và “nhử” Nguyễn Đức Kiên cùng đội ngũ lãnh đạo Ngân hàng ACB vào cái bẫy đã được giăng sẵn. Từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo cho Kế toán trưởng ủy thác số tiền 718 tỷ 908 triệu đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB “chở” tiền đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Thời hạn tiền gửi từ 3 đến 6 tháng, với lãi suất 14%/năm; lãi suất thỏa thuận ngoài hợp đồng từ 3,7%-13%/năm. Sau khi nhận ủy thác, 17 nhân viên Ngân hàng ACB đã đem 668 tỷ 908 triệu đồng gửi vào Vietinbank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; hai nhân viên khác đem số tiền 50 tỷ đồng gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Sau đó, Huyền Như giao hợp đồng cho các nhân viên nhưng toàn bộ 17 thẻ tiết kiệm Như giữ lại rồi giả chữ ký của các chủ thẻ, thế chấp vay của Vietinbank 514,5 tỷ đồng. Số tiền của ACB còn lại trong các thẻ tiết kiệm của nhân viên, Như tiếp tục giả chữ ký của chủ thẻ, giả lệnh chi để chuyển tiền trả nợ cho các cá nhân, tổ chức mà Như đã chiếm đoạt trước đó. Kết thúc vụ “giao dịch” này, Ngân hàng ACB đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ 908 triệu đồng. Dày dạn kinh nghiệm trên “trận đồ” tiền tệ, lừng lẫy tiếng tăm khắp giới tài chính ngân hàng, một ông bầu bóng đá khiến nhiều người phải kính nể đã phải “ngậm đắng nuốt cay” và ngã gục trước một “đối thủ” kém sa Nguyễn Đức Kiên về đẳng cấp.
Ngày 21/8/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại CP Á Châu (ACB) về hành vi kinh doanh trái phép theo Điều 159, BLHS. Kết thúc quá trình điều tra, Nguyễn Đức Kiên cùng 8 đồng phạm bị VKSNDTC truy tố về 4 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Trốn thuế” và tội “Kinh doanh trái phép”.
Theo kế hoạch, từ ngày 16 đến ngày 29/4/2014, TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng 8 đồng phạm với 4 tội danh như trên. Báo Công lý sẽ theo dõi phiên tòa và kịp thời thông tin tới bạn đọc.
Liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, chi nhánh Tp Hồ Chí Minh), trước đó ngày 6/1/2014, TAND Tp Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm bị cáo này với hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân tổng cộng 3.986 tỷ đồng. Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định số tiền 3.986 tỷ đồng của các bị hại gửi tại Ngân hàng Vietinbank bị Huyền Như chiếm đoạt là do Huyền Như dụ dỗ và có ý định chiếm đoạt từ trước khi tiền của các bị hại chuyển vào Vietinbank. Sau đó, Huyền Như làm giả con dấu Vietinbank và 7 công ty (bị hại) để rút tiền ra chiếm đoạt. Bị cáo Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng Vietinbank chứ không phải tài sản của Vietinbank (nơi Huyền Như làm việc), nên Ngân hàng Vietinbank không phải chịu trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự này. Trách nhiệm bồi thường cho các bị hại thuộc về Huyền Như. Theo đó Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu; đồng thời buộc bị cáo Huyền Như bồi thường cho các bị hại số tiền 3.986 tỷ đồng. |
Trần Minh Giang