Mới đây, hai ứng cử viên vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen đã có cuộc tranh luận nảy lửa trên truyền hình cuối cùng trước cuộc đấu chung cuộc vào chủ nhật tới (7/5).
Tối 3/5, hai ứng cử viên Tổng thống Pháp là ông Emmanuel Macron, theo đường lối trung dung và bà Marine Le Pen của phe cực hữu đã có cuộc tranh luận nảy lửa về các vấn đề khủng bố, kinh tế và châu Âu, trong cuộc tranh luận truyền hình cuối cùng trước khi chính thức bước vào vòng 2 cuối tuần này.
Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng cử viên tổng thống đã nóng ngay từ những phút đầu tiên khi bà Le Pen gọi ông Macron là "ứng cử viên của giới tinh hoa" và "con cưng của hệ thống".
Với thái độ thách thức và khiêu khích đùa cợt đối thủ, bà Le Pen tỏ ra làm chủ cuộc tranh luận. Tuy nhiên, trong và sau cuộc tranh luận, giới phân tích và báo chí Pháp đã làm lộ rõ nhiều lập luận của bà Le Pen là “sai”.
Về phần mình, ông Macron đã gọi bà Le Pen là kẻ nói dối với dự án bí mật là nhằm tăng thuế và vay mượn lớn để phục vụ cho những tham vọng mang tính dân tộc chủ nghĩa của mình.
Ông Emmanuel Macron cũng bày tỏ sự thất vọng và buồn trước “màn kịch” mà bà Le Pen diễn trên truyền hình, khẳng định bà Le Pen “ăn nói lung tung” và cố tình gieo giắc sự sợ hãi để thu hút cử tri.
Đáp lại, bà Le Pen cho rằng, ông Macron là “ứng viên của sự toàn cầu hóa man rợ”, cảm thấy vui vẻ khi bán tài sản của nước Pháp và từ bỏ quyền kiểm soát đất nước. Ngoài ra, bà Le Pen cũng cáo buộc ông Macron có "thái độ khoan dung" với Hồi giáo chính thống cũng như phản đối các biện pháp chống chủ nghĩa cực đoan sau hàng loạt vụ tấn công vừa qua tại Pháp.
Tuy nhiên, ông Macron khẳng định sẽ "không thỏa hiệp" trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời cho rằng chính những gì bà Le Pen đề xuất sẽ dẫn tới một "cuộc nội chiến". Theo ông, lời lẽ của bà Le Pen "đầy thù địch".
Liên quan đến Liên minh Châu Âu (EU), bà Le Pen cho rằng nếu ông Macron đắc cử Tổng thống, Pháp sẽ bị đè bẹp bởi nước láng giềng hùng mạnh về kinh tế Đức. Trước đó, bà Le Pen cũng tuyên bố muốn tiến hành trưng cầu ý dân về việc liệu Pháp có nên ở lại EU hay không, trong khi ông Macron ủng hộ EU nồng nhiệt.
Bầu cử Tổng thống Pháp: Ứng cử viên Macron tiếp tục ghi điểm sau cuộc tranh luận nảy lửa
Sau màn công kích kịch liệt, các ứng cử viên bắt đầu trình bày quan điểm, chính sách của mình trong các vấn đề lớn. Mở đầu là kinh tế từ thất nghiệp, thuế, nợ, khả năng tiêu dùng... Tiếp đó là các vấn đề bảo trợ xã hội như: chính sách đoàn kết, chế độ bồi hoàn chi phí khám chữa bệnh…, rồi các vấn đề về châu Âu, chính sách đối ngoại, các vấn đề xã hội như giáo dục, sinh thái… và cuối cùng là cách thức và hình ảnh Tổng thống của nền Cộng hòa Pháp mà hai ứng cử viên hướng tới.
Và xuyên suốt cuộc tranh luận kéo dài hơn 2 tiếng rưỡi, ứng cử viên Emmanuel Macron luôn thể hiện quan điểm vững vàng về một nước Pháp mạnh, trong lòng một châu Âu bảo vệ các quốc gia thành viên. Theo ông Macron, nước Pháp đang bị khủng hoảng nặng nề, cần phải có những cải cách quan trọng, nhưng không phải chìm trong sự sợ hãi mà bà Le Pen gieo rắc.
Được biết, cuộc tranh luận đã thu hút 20 triệu người xem trong tổng số 47 triệu cử tri Pháp.
Ngay sau cuộc tranh luận, hãng Elabe đã tiến hành thăm dò trên kênh truyền hình BFM TV và kết quả cho thấy, dù bà Marine Le Pen liên tục đưa ra những lời công kích, những phát ngôn hùng hồn về chính sách kinh tế, an ninh... của đối thủ, nhưng 63% người được hỏi nhận định phần trình bày của ông Emmanuel Macron thuyết phục hơn bà Le Pen.
Ngày 7/5 tới, bà Le Pen và ông Emmanuel Macron của phong trào Tiến lên sẽ chính thức bước vào vòng bỏ phiếu lần 2 để chọn người trở thành chủ nhân điện Elysée.
Hiện kết quả thăm dò dư luận cũng cho thấy, ông Macron đang dẫn trước bà Le Pen với tỉ lệ 59%-41%. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận truyền hình vừa qua dường như đang làm thay đổi nhanh chóng dư luận Pháp.