Chủ nhật, ngày 22/5/2016 tới đây - ngày bầu cử là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu có đức, có tài.
Bài học từ sức mạnh lòng dân
Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 lần đầu tiên được tiến hành theo Luật bầu cử ĐBQH và HĐND năm 2015 - đạo luật được sửa đổi, ban hành mới ngay sau khi Hiến pháp 2013 ra đời, đồng thời cũng là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt mang tầm của một sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của đất nước, đó là thành công rực rỡ của Đại hội XII của Đảng.
Nói về bầu cử ĐBQH và HĐND, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng khẳng định: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao nhiêu xương máu trong cuộc cách mạng đánh thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội".
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận, thành công của Tổng tuyển cử đầu tiên hội tụ nhiều yếu tố về cả bối cảnh tương quan các lực lượng trong nước và ngoài nước. Cuộc bầu cử diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thử thách ngàn cân treo sợi tóc, khó khăn chồng chất, lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ. Tuy nhiên, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức tổng tuyển cử và đưa cuộc tổng tuyển cử đi đến thành công. Phải khẳng định rằng, đó là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén, xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc.
Tìm người đủ đức, lựa người đủ tài
Với những sự kiện chính trị trọng đại, công tác chuẩn bị nhân sự luôn là khâu có ý nghĩa mấu chốt, mang tính trọng tâm. Với cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, công tác nhân sự được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; có tỷ lệ hợp lý các đại biểu đại diện cho các ngành, các cấp, các vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Người được giới thiệu vào danh sách ứng cử để bầu làm ĐBQH và HĐND phải có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ... thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, luôn bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được thành công tốt đẹp, vừa qua Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử và chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiến hành đầy đủ, đúng quy định về các nội dung, công việc phục vụ cho Ngày bầu cử.
Triển khai tinh thần hội nghị và đảm bảo lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài trở thành đại biểu của nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất.
Một vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm là người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha khẳng định, mọi công dân từ đủ 21 tuổi trở lên nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bầu cử đều được ứng cử ĐBQH và HĐND. Do vậy, không thể có những quy định phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử. Việc đánh giá chất lượng của người ứng cử, trong đó có khối tư nhân và ngoài Đảng là thuộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong cuộc bầu cử nhất là Ủy ban bầu cử và Ủy ban MTTQ các cấp.
Cùng với đó, MTTQ và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, quyết định cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH, HĐND và triển khai mạnh mẽ mọi công tác chuẩn bị để đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực sự dân chủ, đúng pháp luật, lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.
Kết quả hiệp thương lần thứ nhất là cơ sở quan trọng để Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và MTTQ cấp tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai với mục tiêu hình thành danh sách sơ bộ những người ứng cử. Bản danh sách này ngay sau đó, sẽ được gửi đi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử thông qua những hội nghị góp ý. Kết quả lấy ý kiến cử tri cũng là thủ tục cuối cùng để tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba, chốt danh sách ứng cử viên trước Ngày bầu cử.
Với ý nghĩa to lớn, lựa chọn những đại biểu thay mặt hàng chục triệu cử tri, đồng bào để quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc trong chặng đường 5 năm kế tiếp, việc tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng là hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.