Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, con người đã tạo nên những thế giới riêng trên các trang mạng. Giờ đây, mạng ảo đôi khi cũng trở thành thế giới thực khi con người sử dụng để chia sẻ, tương tác, kết bạn hay gắn những suy nghĩ tâm tư, cảm xúc thường ngày của mình qua đó. Cũng từ đó đã xuất hiện hiện tượng bạo lực mới: bạo lực qua mạng xã hội.
Là một vấn đề không hề mới, nhưng luôn nhức nhối mỗi khi được nhắc đến ở Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, bắt nạt qua mạng (tiếng Anh là Cyberbullying) là một hình thức quấy rối hoặc bắt nạt bằng các phương tiện điện tử. Nói cách khác, bắt nạt qua mạng là khi một cá nhân bị đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm xấu hổ hoặc tra tấn tinh thần qua tin nhắn, trang web, mạng xã hội hay các thiết bị điện tử khác, khiến những người bị nhắm mục tiêu sợ hãi, giận dữ.
Những dòng trạng thái, những lời nói xúc phạm khiếm nhã, quấy rối, những nhóm kêu gọi tẩy chay, loại bỏ, hay trêu ghẹo, thóa mạ, dùng những hình ảnh biếm họa để chỉ trích, tất cả những hành vi trên đều được xem là 1 hình thức bắt nạt trực tuyến. Hình thức bắt nạt này đang ngày càng phổ biến, và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Ở độ tuổi thiếu niên, cứ 10 người thì có 3 em là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến. Những lời nói trên mạng ảo, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống đời thật. Khi mạng xã hội bị sử dụng sai mục đích thì nó vô tình trở thành công cụ hủy hoại một con người.
Còn nhớ, năm 2015, một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai đã bị bạn trai tung hình ảnh nhạy cảm lên mạng. Chỉ trong 2 ngày, hàng trăm ngàn người vào xem và hàng ngàn người chia sẻ với những lời lẽ chế giễu, nhục mạ, cợt nhả. Hai hôm sau, cô gái đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Vào tháng 3/2018, một nữ sinh ở Nghệ An đã nhảy xuống ao tự tử, để lại thư tuyệt mệnh sau khi mạng xã hội đăng clip nữ sinh này cùng một nam sinh khác có hành động thân mật, khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Vào tháng 10 cùng năm, một nữ sinh lớp 8 đã đem xăng đốt trường khiến 2 chân bỏng nặng, phải nhập viện chỉ vì lời đùa trên mạng xã hội khiến nhiều người lo lắng về thực trạng bắt nạt trực tuyến.
Hay vài tháng trước, chúng ta còn nhớ một bộ phận cư dân mạng tấn công, bắt nạt bằng hàng ngàn bình luận với ngôn từ chế nhạo, giễu cợt, thái độ thì miệt thị, ác ý bên dưới những hình ảnh mới của nữ ca sĩ Lynk Lee sau khi cô chuyển giới.
Không chỉ ở Việt Nam, những câu chuyện tương tự vậy vẫn diễn ra hàng ngày trên khắp thế giới. Có những người mạnh mẽ bước tiếp, nhưng cũng có những người âm thầm chịu đựng, rồi có khi, họ tự kết liễu cuộc đời mình.
Những “anh hùng bàn phím” thường góp công bỏ sức của mình vào việc thóa mạ, miệt thị người khác bằng những bình luận ác ý, có thể họ chỉ nghĩ đơn giản mạng là ảo, và chưa bao giờ nghĩ những tổn thương họ gây ra đối với người khác là thật.
Phần lớn những đối tượng này, chỉ dám làm như vậy trên mạng, nơi họ cảm thấy an toàn vì không phải chịu trách nhiệm cho những hành động tấn công, bắt nạt tập thể do mình gây ra.
TS Tâm lý học Khắc Hiếu cho biết: “Các bạn trẻ giờ đây thường hay đăng các dòng trạng thái lên mạng xã hội để nói xấu nhau, chửi bới lăng mạ nhau trên đó, thậm chí đăng các bức ảnh hớ hênh của người kia lên mạng xã hội, hay tung các bí mật của người khác để cho mọi người được biết.
Hậu quả có thể kể đến là nạn nhân chắc chắn sẽ bị sốc, bởi vì trên đó là nơi công cộng, đăng lên trên đó người ta có thể chụp lại, lưu lại rồi phát tán, lan truyền rất là nhanh. Từ đó nạn nhân sẽ có tâm lý sợ hãi khi đến môi trường công cộng, không dám đi học, đi làm.”
Để ngăn chặn việc bắt nạt trên mạng, công ty phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft khuyến khích mọi người dù ở lứa tuổi nếu phải đối mặt với bất kỳ hành vi đe dọa hoặc quấy rối trực tuyến, hãy báo cáo cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có liên quan. Hành động báo cáo của người dùng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp cho mọi người trải nghiệm trực tuyến an toàn và đáng tin cậy.
Microsoft luôn đính kèm đường dẫn để người dùng báo cáo lạm dụng, hoặc chia sẻ mối quan tâm trong mỗi sản phẩm, dịch vụ, hay các biểu mẫu web theo chủ đề cụ thể để người dùng báo cáo nội dung mang tính chất khủng bố hay phát ngôn tấn công nhắm vào 1 cá nhân nào đó.
Còn theo Ts Tâm lý học Khắc Hiếu, việc ngăn chặn bị bắt nạt trên mạng (hay kể cả ở ngoài cuộc sống) cũng cần có sự quan tâm, sẻ chia cũng như dạy dỗ, chỉ bảo của các bậc phụ huynh.
“Để tránh những trường hợp xấu nhất, đầu tiên cha mẹ, các bậc phụ huynh nên chỉ bảo con cái mình các cách ngăn ngừa việc bị bắt nạt xảy ra. Ví dụ như đi đứng phải cẩn thận, không được hớ hênh, đừng có yêu sớm, khi giao tiếp với người khác cần phải kiềm chế cảm xúc bản thân, biết cảm ơn hay xin lỗi đúng lúc đúng chỗ. Từ đó sẽ không dẫn đến các trường hợp bị người khác nói xấu hay ném đá trên mạng.
Thứ hai cha mẹ nên dạy con các cách ứng xử khi lỡ việc có xảy ra. Ví dụ như có những bạn trẻ bị bắt nạt ở trường (hay ngoài xã hội) nhưng cha mẹ không hề biết, vì cha mẹ không hề biết online hay mạng xã hội là gì. Vì vậy, cha mẹ cũng nên tập online, cũng nên thường xuyên theo dõi, kết bạn với con cái của mình trên mạng xã hội để có thể theo dõi, xem được sự việc gì đang xảy ra. Từ đó mình có thể trợ giúp con khi cần.
Ông Hiếu cũng chia sẻ thêm: “Đặc biệt, chúng ta cũng cần dạy con khi con bị bắt nạt, con cũng phải phản ứng chứ không thể ngồi im, chẳng hạn như con phải báo cáo đến thầy cô nếu đang trong độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường, kể lại sự việc với bố mẹ. Hay những trường hợp nghiêm trọng hơn các bạn cũng có thể báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương.”
Mỗi chúng ta đều có thể là nạn nhân, đồng thời cũng có thể là thủ phạm trong việc bắt nạt trực tuyến. Vì vậy, hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh, tránh những việc bắt nạt, thóa mạ hay quấy rối người khác thông qua các nền tảng mạng. Vì mạng xã hội có thể là ảo, có thể biến mất vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nhưng những tổn thương mà con người phải chịu đựng là thật, có thể đi theo họ đến cuối cuộc đời.