Bất hợp lý từ Đề án qui hoạch giết mổ khiến Doanh nghiệp gặp khó khăn

Quỳnh Hoa| 05/06/2016 10:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc UBND tỉnh Sóc Trăng triển khai đề án quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung nhằm dễ quản lý, tránh gây ô nhiễm môi trường là một điều đáng hoan nghênh trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều vấn đề phát sinh gây bất cập đối với các cơ sở giết mổ hoạt động trước đó.

Nhiều điểm chưa phù hợp

Giữa tháng 8.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định số 841/QĐHC-CTUBND về việc phê duyệt “Đề án Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2013-2020”, nhiều cơ sở giết mổ gia súc nằm trong diện quy hoạch buộc phải di dời, chấm dứt hoạt động trong năm 2015. Tuy nhiên, do việc triển khai đề án quá cấp tập về mặt thời gian khiến người kinh doanh dù “vắt chân cổ lên cổ” cũng không đẩy kịp đúng tiến độ theo yêu cầu.

Đơn cử như tại huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), khi có QĐ số 841, đây là thời kỳ diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện nên chủ trương nói trên không được các bộ phụ trách chuyên môn triển khai đến lò mổ Đại Tâm (ấp Tâm Phước, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên). Mãi đến trung tuần tháng 6.2015,  huyện mới ban hành, tổ chức thực hiện Đề án 841.

Thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đang mùa mưa, ngập lụt liên tục nên cơ sở Đại Tâm dù vận hết “nội công” cũng không thể đẩy kịp tiến độ. Riêng công đoạn di dời, mở rộng diện tích, chủ cơ sở này phải bỏ tiền ra mua đất của người dân, sau đó xin chuyển đổi mục đích sử dụng, xin phê duyệt đề án xây dựng…, các công đoạn này nếu nhanh nhất cũng phải mất từ 3-4 tháng mới hoàn thành các thủ tục, nhưng việc san lấp mặt bằng, đào hố, xây dựng gặp điều kiện thời tiết bất lợi, mưa ngập lụt nên không thể xây dựng kịp. Vì vậy, vô tình nếu xét theo tiến độ như đề án nêu ra là phải hoàn thành nâng cấp, mở rộng cơ sở giết mổ vào cuối năm 2015 là trường hợp bất khả thi.

Bất hợp lý từ Đề án qui hoạch giết mổ khiến Doanh nghiệp gặp khó khăn

Lò giết mổ gia súc Đại Tâm đang đẩy mạnh tiến độ thực hiện theo “Đề án” 841

Bà Diệp Thị Bảy- chủ cơ sở giết mổ Đại Tâm khẳng định: “Thời điểm hiện tại, cơ sở đã đầu tư thêm 3 tỉ đồng di dời lò mổ ra phía sau, cách khu dân cư 200m đúng như Đề án 841. Do nhu cầu phát triển, năm 2007, chúng tôi được cấp phép, nâng công suất giết mổ lên từ 100-120 con heo/ngày. Đến năm 2008, cán bộ Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh  đến kiểm tra thực tế, lập biên bản yêu cầu cơ sở phải đầu tư nâng cấp lò mổ đáp ứng nhu cầu. Sau đó chúng tôi lập đề án, nâng công suất giết mổ 200-220 con heo/ ngày, đến nay vẫn chưa được các cơ quan thẩm quyền  phê duyệt. Đây là điều bất cập khiến cơ sở Đại Tâm rơi vào tình cảnh như hiện tại”.

Sự chưa hợp lý nữa đó là QĐ số 841 buộc cơ sở Đại Tâm di dời nhưng trên thực tế, phía cơ quan chức năng không xác định được phải di dời đến vị trí nào? Chính sách hỗ trợ ra làm sao? Ngoài ra, QĐ 841 cũng qui hoạch đầu tư xây dựng mới cơ sở giết mổ ra súc tập trung tại P.10 (TP Sóc Trăng, cách cơ sở Đại Tâm khoảng 500m), với qui mô giết mổ 300 con heo và 20-30 con trâu bò/ngày nhưng tất cả đến nay vẫn “treo”.

Trong khi đó, tại Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã thông qua HĐND quyết định quy hoạch TP. Sóc Trăng, có đề cập việc sẽ lấy một phần diện tích của huyện Mỹ Xuyên (trong đó có xã Đại Tâm, nơi cơ sở giết mổ tập trung Đại Tâm đang hoạt động) để mở rộng thành phố.

Việc này đồng nghĩa, thay vì xây dựng một lò giết mổ mới tại Phường 10 đến nay chưa khả thi, UBND tỉnh Sóc Trăng có thể tận dụng sẵn có cơ sở giết mổ Đại Tâm đang hoạt động tốt, hướng dẫn cho cơ sở này các thủ tục nâng cấp cần thiết để họ yên tâm kinh doanh. Như vậy sẽ tiết kiệm được diện tích, cơ sở hạ tầng, chi phí đầu tư của Nhà nước rất nhiều. Chủ trương này cũng hoàn toàn phù hợp với mục đích lâu dài của tỉnh là sẽ qui hoạch 2 lò giết mổ tập trung của tỉnh, nhằm tạo ra sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Lò mổ bị tố gây ô nhiễm: Chưa bị xử phạt lần nào!

Thời gian qua, cơ sở giết mổ gia súc tập trung Đại Tâm bị phản đối vì gây ô nhiễm môi trường xung quanh, khiến người dân bức xúc. Nhưng trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện, cơ sở này chưa bao giờ bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường. Theo chủ cơ sở Đại Tâm, trong quá trình làm ăn, do một vài cơ sở giết mổ khác muốn chiếm “mối” nên đã mạo danh đơn từ tố cáo Đại Tâm đến các cơ quan chức năng, nhằm gây khó dễ cho hoạt động kinh doanh.

“Từ khi bắt đầu đưa vào hoạt động vào năm 2006, cơ sở chưa bao giờ bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt”- ông Trương (chồng bà Diệp Thị Bảy) cho hay. Đồng quan điểm vấn đề này, chị Ly Thị Mỹ Hạnh, bà Ly Thị Sữa- nhà sống cạnh cơ sở Đại Tâm cũng khẳng định: “Chúng tôi ở đây lâu năm, không thấy bất cứ mùi hôi thối nào từ lò mổ gây ra”.

Ông Lê Văn Hiểu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói: “Chúng tôi nhận thấy QĐ 841 triển khai kịp thời nhưng các cơ quan chuyên môn đã không làm hết trách nhiệm, hướng dẫn cho người dân. Hiện tại, UBND tỉnh đã thành lập tổ kiểm tra tiến hành rà soát tất cả các lò mổ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, sau đó sẽ đề xuất, tham mưu các lộ trình cần thiết nhằm giúp các cơ sở giết mổ ổn định hoạt động. Riêng lò mổ Đại Tâm, trước mắt cơ sở này nên giữ nguyên công suốt giết mổ 100-120 con/ ngày theo quyết định phê duyệt của UBND huyện Mỹ Xuyên năm 2008, và DN này phải tuân thủ đúng quy trình. Sau đó, nếu đáp ứng được các điều kiện giết mổ, UBND sẽ xem xét các bước tiếp theo, nếu DN này có nhu cầu hoạt động”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất hợp lý từ Đề án qui hoạch giết mổ khiến Doanh nghiệp gặp khó khăn