Trong thời gian gần đây có hàng loạt vụ vỡ nợ liên quan đến bất động sản. Lãi suất ở kênh tài chính “chui” này có giao dịch lên tới trên 300%/năm...
“Ma lực” bất động sản
Hiện lãi suất tiền vay của tín dụng “đen” từ 4,5%/ tháng, tương ứng 54%/năm (gấp 3 - 4 lần lãi suất ngân hàng) thậm chí có những giao dịch lên tới 10.000 đồng/1triệu đồng/ngày (tương đương với 360%/năm). Tại Hà Nội có những chỗ cho vay với lãi suất lên tới 30-40%/tháng, tức là 360- 480%/năm (gấp 20 - 30 lần lãi suất ngân hàng). Nhưng phổ biến hơn cả vẫn là mức 5.000-6.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 200%/năm, cao gấp hàng chục lần lãi suất chính thức của bất kỳ ngân hàng nào.
Cơ quan Công an khám nhà con nợ Phạm Thị Chinh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội
Vì sao lại có mức lãi suất không tưởng này? Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Công lý được biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, phong trào đầu tư bất động sản xuất phát từ Hà Nội, sau đó đến Tp. Hồ Chí Minh, rồi lan ra toàn quốc. Hàng ngàn Công ty đầu tư bất động sản mọc lên như nấm, nhiều tập đoàn lớn của nhà nước kinh doanh ở lĩnh vực khác cũng “ké sân” bất động sản với đủ các hình thức, với số vốn huy động vào lĩnh vực này lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Hậu quả là giá nhà đất được đẩy lên chóng mặt, Hà Nội trở thành một trong những thành phố có giá bất động sản cao khủng khiếp. Người có nhu cầu thật không có tiền để mua nhà đất, cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản không có tiền để “ôm” hàng do chính sách thắt chặt các khoản cho vay bất động sản nên họ phải huy động nguồn tài chính từ hoạt động tín dụng “đen”.
Và hệ lũy nhãn tiền: từ đầu năm 2011 đến nay, điểm lại các vụ vỡ nợ đều có dấu hiệu liên quan đến bất động sản. Đơn cử như vụ vỡ nợ của vợ chồng Nguyễn Văn Hùng (SN 1973) và Nguyễn Thị Cúc (SN 1979) trú ở xã Nhân Văn, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Theo ước tính của người dân nơi đây thì số nợ của vợ chồng “đại gia” trẻ này có thể lên đến 1.000 tỷ đồng. Đa số những chủ nợ của vợ chồng Cúc đều là người kinh doanh vàng bạc, cầm đồ, tiểu thương, buôn bán ở thị trấn Phú Minh, Hà Nội. Số tiền này ngoài của chủ nợ, họ còn đi vay mượn của các hộ dân trong xã rồi mang về cho vợ chồng Cúc vay để hưởng lãi suất chênh lệch. Vợ chồng Hùng Cúc vỡ nợ, những người này cũng vỡ nợ theo, không có tiền trả nợ nên đành phải bỏ trốn.
Tương tự, vụ vỡ nợ của vợ chồng Phạm Thị Chinh (SN 1975), Nguyễn Ngọc Chúc (SN 1969), sống tại số nhà 17, ngõ 13, Đông Quan, Nghĩa Đô, Cầu Giấy với số tiền cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vụ vỡ nợ vợ chồng Nguyễn Văn Hải và Trần Thị Xuân, trú ở huyện Từ Liêm, Hà Nội với số tiền ước tính nhiều chục tỉ đồng.
Vụ vỡ của vợ chồng ông Nguyễn Hồng Hảo và bà Nguyễn Thị Dậu, trú tại số 5, Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội với số tiền vay của nhiều người lên tới gần 200 tỉ đồng...
Bị can Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1961), “đại gia” vỡ nợ ở Bắc Ninh giải trình với cơ quan chức năng: “Tôi luôn nghĩ là thị trường bất động sản vẫn còn lên nữa và xưa nay đất, cát không bao giờ có chuyện xuống giá vì vậy tôi mua rất nhiều. Đến thời điểm tháng 4-2011, tôi không thể kiểm soát các khoản vay của mình. Lúc đó, thị trường bất động sản chững lại, giá đất giảm. Các mảnh đất tôi mua không thể bán được vì vậy tôi mất khả năng thanh toán...”.
Giải pháp nào cho tín dụng “đen”?
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho biết: Để tránh “bẫy” tín dụng “đen”, cần có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn thị trường tài chính-tín dụng có tổ chức, cả về chủng loại, quy mô, thủ tục và chất lượng sản phẩm tín dụng. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng cũng nên quan tâm đúng mức hơn đến xây dựng và đồng bộ hóa các cơ sở pháp lý cho việc quản lý, ngăn chặn và xử lý các hệ quả nguy hiểm của tín dụng “đen”. Không để tín dụng “đen” phủ bóng đen và ngày càng trở thành nguy cơ tiềm tàng, trực tiếp đe dọa tình hình mất ổn định, gián tiếp hủy hoại đạo đức và lòng tin trong xã hội...
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, những nhà đầu tư nhỏ lẻ và doanh nghiệp nên tránh xa tín dụng “đen”. Với mức lãi suất trên trời, lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ cần “lỡ nhịp” vài tháng, người vay sẽ không có khả năng trả nợ và vỡ nợ là điều khó tránh khỏi.
Tùng Lâm