Chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản thời gian tới có đi lên hay không còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế nói chung năm 2023. Trong khi đó, chúng ta còn đang gặp hai “cơn gió ngược” là suy thoái kinh tế thế giới và điều kiện tài chính tiền tệ ngặt nghèo.
Đó là nhận định của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khi đề cập đến thị trường bất động sản năm 2023.
Thị trường bất động sản năm 2023 còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế.
Tuy nhiên, điểm tích cực là chính sách tiền tệ có thể sẽ được nới lỏng dần do lạm phát thế giới đã qua đỉnh, cường độ và tần suất tăng lãi suất của các ngân hàng cũng sẽ giảm so với năm 2022. Từ đó, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng đỡ hơn. Chưa kể, mục tiêu lạm phát năm 2023 cũng cao hơn cũng có dư địa ít nhiều để chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, năm 2023 sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư công và thực hiện tốt hơn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những yếu tố thuận lợi trong bối cảnh năm 2023 có thể có rất nhiều thách thức và khó khăn.
Tình hình thị trường bất động sản 2023 còn phụ thuộc vào việc tháo gỡ các khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính và tài chính tiền tệ (trái phiếu và tín dụng cho bất động sản).
Chính sách tín dụng sẽ được điều hành uyển chuyển, linh hoạt hơn trong thời gian tới. Bên cạnh gói hỗ trợ lãi suất thì hiện đang có kiến nghị Chính phủ có gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ngoài ra, Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp sửa đổi.
Chuyên gia dự báo: Nhiều khả năng, tình hình thị trường bất động sản sẽ thuận lợi hơn từ nửa cuối năm 2023. Kỳ vọng niềm tin trên thị trường sẽ được phục hồi, nhiều người sẽ xuống tiền trở lại và những vấn đề về thanh khoản, áp lực tỷ giá cũng như lãi suất sẽ cơ bản được xử lý trong 3 - 5 tháng đầu năm 2023.