Đời sống

Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng

Đ. Việt 01/06/2024 - 08:11

Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, các Bộ, ban ngành và một số địa phương đã tổ chức nhiều chương trình hội nghị, tọa đàm thiết thực và ý nghĩa nhằm bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, chăm lo cho trẻ em phát triển toàn diện và tạo lập môi trường sống để trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Hoàn thiện các chế tài cụ thể để bảo vệ trẻ em

Nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm xâm hại trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.

Chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng.

bao-ve-tre-em-tren-mang2.jpg
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là trách nhiệm của cả cộng đồng. Hình minh họa

Mới đây, tại buổi tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH ) cho hay, vấn đề bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng có được sự quan tâm của các cấp, các ngành.

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo ông Nam cần trang bị cho trẻ em “Vaccine số cho trẻ em 3 trong 1”, gồm: tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, đặc biệt các chế tài cụ thể để bảo vệ trẻ em, giải quyết vấn đề, vụ việc trẻ em xâm hại trẻ em môi trường mạng; tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ mạng có các giải pháp công nghệ, theo dõi, cảnh báo, chặn lọc, gỡ bỏ các thông tin và hành vi gây tổn hại cho trẻ em trên môi trường mạng...

Chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ Công an tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh - Phó Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay, tính đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó, có khoảng 2/3 trẻ em đang tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối Internet.

Việc trẻ em Việt Nam sử dụng Internet sớm, trong khi chưa được giáo dục, trang bị các nhận thức cơ bản về các mối nguy hại từ môi trường mạng là một nguyên nhân cơ bản đưa trẻ em trở thành mục tiêu, nạn nhân của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng. Điển hình là các hành vi như xâm hại tình dục qua mạng; mồi chài, gạ gẫm, dụ dỗ qua mạng vì mục đích tình dục; nguy cơ bị xúi giục, dẫn dắt, thúc đẩy thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…

Nhấn mạnh, trẻ em là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ từ những yếu tố trên môi trường mạng cả về khía cạnh tích cực và tiêu cực, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết: đối với trẻ em, Internet đã mở ra cơ hội trong việc tiếp cận thông tin, tri thức, học tập sáng tạo, phát triển bản thân, kết nối xã hội mà không bị giới hạn về không gian, thời gian, vị trí địa lý.

Tuy nhiên, những đặc tính vốn có của môi trường mạng như khả năng ẩn danh và kết nối, chia sẻ thông tin không giới hạn dần trở thành những điều kiện lý tưởng cho các đối tượng xấu, các loại hình tội phạm phát sinh, hoạt động.

Môi trường mạng hiện nay cũng thường trực đa dạng những nguy cơ đối với trẻ em, bao gồm những hành vi xâm hại và các yếu tố nguy hiểm khác có thể tác động tiêu cực, gây tổn hại đến tâm lý, danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe, tính mạng.

Cũng theo tướng Mạnh, từ năm 2021 đến nay, triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em và ngăn chặn các mối nguy hại đối với trẻ em trên môi trường mạng.

Lực lượng Công an tăng cường công tác nắm tình hình trên môi trường mạng, phát hiện và triển khai các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn, vô hiệu hóa số lượng lớn các loại thông tin độc hại với trẻ em trên môi trường mạng, giảm nguy cơ trẻ em bị tiếp cận, tác động tiêu cực.

Cụ thể, ngăn chặn truy cập từ trong nước đến 30.000 trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, dâm ô đồi trụy, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, bạo lực, độc hại đối với trẻ em, thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Cùng với đó, tiến hành gỡ bỏ, vô hiệu hóa hàng chục nghìn liên kết có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới…

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Thời gian qua, các cơ quan Bộ, ban, ngành đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, hướng dẫn tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 được triển khai đồng bộ, có hiệu quả và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Tại Hà Nội, trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em được Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố xác định là việc làm thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở luôn tăng cường quản lý nhà nước về công tác trẻ em; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em; tuân thủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em

Với phương châm “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” và dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch số 100/KH-UBND với 9 nhóm nội dung, 17 nhiệm vụ cụ thể giao các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện, bảo đảm 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, hỗ trợ và tặng quà đầy đủ, kịp thời nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.

Các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024 phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương. Đặc biệt, quan tâm, ưu tiên để kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em.

Còn tại TP.HCM cũng triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị cấp Thành phố phối hợp tổ chức các hoạt động như: hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn thể cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, lao động trẻ em …

lua-su-khuong-tan-phuong.jpg
Luật sư Khương Tân Phương

Theo luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng Luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội): bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng là trách nhiệm của nhiều cơ quan tổ chức cá nhân và cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Vì vậy, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quyền trẻ em, giáo dục về các kỹ năng sống cho trẻ em để trẻ có thể thoát hiểm khi hỏa hoạn, đuối nước và giáo dục các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trên không gian mạng là rất cần thiết.

Ngoài ra các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương cũng cần phải có những chương trình kế hoạch để tạo ra những sân chơi bổ ích, những hoạt động thiết thực trong dịp hè để thu hút trẻ em tham gia hoạt động thể chất, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh góp phần phát triển thể chất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em trong những dịp nghỉ hè.

“Chỉ khi nào các bậc phụ huynh dành thời gian, có trách nhiệm trong việc quan tâm, chăm sóc, bảo vệ con em và các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ thì trẻ em mới có điều kiện để phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần”, luật sư Phương nêu ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng