Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, toàn quốc xảy ra trên 1.500 vụ xâm hại trẻ em (giảm 2,8% so với năm 2017). Cơ quan chức năng đã xử lý gần 1.700 người phạm tội có hành vi xâm hại trên 1.500 em.
Trong đó, hơn 1.200 vụ án xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.230 người phạm tội có hành vi xâm hại tình dục trên 1.100 em. Trong năm, Cơ quan điều tra đã xử lý hình sự 1.360 người phạm tội; xử phạt hành chính 160 người và đang trong quá trình xác minh đối với 58 người khác.
Với con số thống kê nêu trên cho thấy, đây là hồi chuông đáng báo động cho phụ huynh, gia đình và toàn xã hội về tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái. Các em có thể là đối tượng bị xâm hại tình dục mọi lúc, mọi nơi nếu người lớn không có sự quan tâm, giám sát và trông coi cẩn thận.
Tác hại của những vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em đó là vết nhơ không thể xóa nhòa, là những vết thương không bao giờ lành trong tâm trí của các em. Nếu đã là nạn nhân thì các em khó có thể có một cuộc sống bình thường như bao trẻ em khác. Các em sẽ bị trầm cảm, uất ức, thiếu niềm tin vào cuộc sống.
Hình minh họa
Trên thực tế, tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em xảy ra phổ biến nhưng vẫn còn nhiều vụ việc bị “chìm xuồng” do chưa đủ cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc khi phát hiện vụ việc thì có sự thỏa thuận bồi thường thiệt hại của đối tượng có hành vi xâm hại và gia đình trẻ em bị xâm hại hoặc có thể xảy ra tình trạng “chạy án”...Vì vậy, nhiều người phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội.
Để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, trước hết cần phải trang bị cho các em các kỹ năng như hạn chế tiếp xúc với người lạ khác giới; không cho người khác sờ vào vùng kín…Đối với gia đình cần phải thường xuyên giám sát con cái hoặc gửi con ở những nơi thân quen, uy tín và tin tưởng. Đặc biệt, khi phát hiện các cháu bị xâm hại tình dục cần phải thông báo kịp thời với cơ quan công an, khẩn trương đưa cháu đi giám định thương tích để thu thập chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra. Nếu chậm đưa đi giám định thì nguy cơ vụ việc sẽ “chìm xuống” cho dù việc xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra.
Xâm hại tình dục đối với trẻ em là một tội ác! Kẻ phạm tội cần phải được trừng trị thích đáng theo quy định của pháp luật. Do đó, cần phải có biện pháp để ngăn chặn và đấu tranh đối với loại tội phạm nguy hiểm này. Khi vụ việc xâm hại tình dục đối với trẻ em xảy ra, gia đình cần phải kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vụ việc theo trình tự, thủ tục luật định, nhất là việc củng cố chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội.
Có như vậy, mới đảm bảo cho các em có một môi trường sống thật an toàn, lành mạnh mà không phải lo sợ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.