Bảo vệ, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân phát triển

Xuân Lan| 02/05/2019 20:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên nằm trong 4 từ khóa về quyết sách nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, được Thủ tướng đề cập tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra ngày 2/5.

Bảo vệ, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân phát triển

Thủ tướng đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp

Phiên toàn thể, khai mạc 14h ngày 2/5 là phiên đối thoại lớn với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo các địa phương.

Cùng 2.500 doanh nhân tư nhân tham dự phiên toàn thể, đối thoại với Chính phủ, các địa phương theo tinh thần công - tư, để góp phần tháo gỡ các rào cản, nút thắt để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra tại phiên đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp là, Chính phủ, Thủ tướng có quyết sách gì trong thời gian tới để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.

Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các “từ khóa”: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.

Về tạo bình đẳng, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực.

Về từ khóa được “bảo vệ”, Thủ tướng nêu rõ là được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

Được “khích lệ” là được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật.

“Trao cơ hội” là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Thủ tướng đề cập đến việc đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng.

Câu hỏi thứ hai là trong những năm tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết sách nào để những ý tưởng, sáng tạo có có hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa?

Trước câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp thành công. Nền kinh tế Việt Nam đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh. Việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp.

Trước hết, về nguồn nhân lực, chú trọng số lượng, chất lượng nhân lực đáp ứng các yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là có những chính sách tốt hơn nữa để thu hút và giữ chân những nhà đầu tư “thiên thần”.

Thứ hai là về hạ tầng, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan chú trọng hơn nữa hạ tầng viễn thông thông minh, ví dụ phát triển nhanh mạng 5G trong thời gian tới, thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng kỹ thuật công nghệ khác.

Thứ ba là tạo thị trường, theo đó, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo nhiều hơn, cho thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với những cơ chế thông thoáng nhất. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân phát triển