Ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia thế giới nói chung, vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức như bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục.
Bạo lực xuất phát từ các môi trường khác nhau có thể từ gia đình, cộng đồng và xã hội.
Đối với phụ nữ và trẻ em bạo lực để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nó làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ, trẻ em mà còn ảnh hưởng tới gia đình, toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.
Trong nền kinh tế phát triển hiện nay, an sinh xã hội được nâng cao, quyền bình đẳng giới cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm và chú trọng hơn.
Theo số liệu nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy 58% phụ nữ từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo hành là: bạo lực thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục.
Nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Quỹ dân số của LHQ đã phát động chiến dịch “16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, thời gian từ 25/11 đến 10/12/2015.
Chiến dịch truyền thông “16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” nhằm thay đổi nhận thức đến hành động, thông qua việc huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng và các bên liên quan, trong đó có nam giới và trẻ em trai cùng hành động để chấm dứt bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
Hãy lên án mọi hành vi bạo lực. ( Ảnh minh họa)
Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng chiến dịch của Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Việt Nam luôn chú trọng thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và thực thi bình đẳng giới đã được khẳng định trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác bình đẳng giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng.
Bởi cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam đang diễn ra dưới nhiều hình thức và ở nhiều môi trường khác nhau, từ trong gia đình tới cộng đồng và xã hội.
Đó là mối đe dọa cho tất cả phụ nữ và là trở ngại cho những nỗ lực để thúc đẩy phát triển, gìn giữ hòa bình và bình đẳng trong mọi xã hội.
Chúng ta phải lên án mọi hành vi bạo lực, thiết lập sự bình đẳng trong công việc, trong cuộc sống gia đình và thay đổi các trải nghiệm hàng ngày của phụ nữ và trẻ em gái.