Kinh doanh đa cấp biến tướng và hệ lụy khôn lường

Trần Lan| 12/07/2016 20:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng loạt những vụ việc liên quan đến kinh doanh bán hàng đa cấp biến tướng gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người, từ cá nhân, tổ chức đến toàn xã hội.

Kinh doanh đa cấp biến tướng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, xâm lấn môi trường kinh doanh. Tình trạng nhiều gia đình “tan cửa nát nhà” đã xảy ra tại nhiều nơi khi người dân dính vào những vụ lừa đảo tinh vi mang danh bán hàng đa cấp.

Từ loại hình kinh doanh lành mạnh…

Mô hình bán hàng đa cấp hiện được thừa nhận rộng rãi tại trên 170 quốc gia. Tại Việt Nam, bán hàng đa cấp du nhập vào từ những năm cuối thế kỷ XX. Đến năm 2004, lần đầu tiên thuật ngữ “bán hàng đa cấp” được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh.

Kinh doanh đa cấp biến tướng và hệ lụy khôn lường

Hàng triệu người đã tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp. Ảnh minh họa

Đến nay, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được thực thi theo Nghị định số 42/2014/NĐ-CP. Nghị định này thay thế cho Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với những thay đổi cơ bản, quan trọng theo hướng thắt chặt quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp như nâng cao điều kiện gia nhập, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hoạt động của người tham gia, bổ sung nhiều quy định cấm, tăng cường sự tương tác giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý cũng như giữa các cơ quan quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn công tác đào tạo người tham gia của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm thắt chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh cũng nâng cao mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp lên tối đa 200 triệu đồng và bổ sung quy định xử lý đối với nhiều hành vi mới được quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, đến hết năm 2015 cả nước có 67 công ty được cấp phép bán hàng đa cấp, trong đó có 2 doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động nên hiện còn 65 doanh nghiệp, trong đó 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Còn theo theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2015,  doanh thu toàn ngành đạt hơn 7.000 tỉ đồng. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2015 là 1,4 triệu người với số tiền hoa hồng chi trả khoảng 2.100 tỉ đồng.

Đến những công ty bán hàng đa cấp biến tướng và hệ lụy…

Bên cạnh những công ty bán hàng đa cấp tuân thủ theo pháp luật, còn nhiều công ty bán hàng đa cấp biến tướng gây nên nhiều hệ lụy khôn lường. Theo Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, những phản ánh về biến tướng của công ty kinh doanh đa cấp  tập trung vào hai đối tượng chính. Một là các doanh nghiệp không được cấp phép tổ chức bán hàng đa cấp nhưng sử dụng mô hình, cách thức của phương thức đa cấp gây thiệt hại lớn vì huy động sự tham gia của nhiều người. Hai là những doanh nghiệp đã được cấp phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không tuân thủ nội dung đã đăng ký, không tuân thủ quy định pháp luật về bán hàng đa cấp, không hoạt động đúng bản chất “bán hàng” mà kêu gọi đầu tư huy động vốn trái phép gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Hình thức các công ty đa cấp biến tướng lừa đảo thực hiện là cung cấp những mặt hàng kém chất lượng hoặc không có giá trị sử dụng để bán với giá trên trời sau đó thổi phồng tính năng của sản phẩm, người tham gia mạng lưới không hưởng được lợi ích từ việc bán sản phẩm mà miễn sao lôi kéo người khác tham gia càng nhiều thì hoa hồng càng lớn. Các công ty này không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm mà chỉ đánh vào lòng tham của người tham gia với những lời hứa hẹn “có cánh” về tương lai giàu có, mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng mà không cần phải làm gì.

Những hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp biến tướng đã để lại những hậu quả khôn lường khi đẩy người tham gia vào cảnh “tan cửa nát nhà” và con số nạn nhân của nhưng vụ lừa đảo lên đến hàng chục nghìn người. Có thể kể đến "tập đoàn lừa đảo" Diamond Holiday bị khởi tố năm 2012 sau khi lừa đảo gần 90.000 người, gây thiệt hại 32,3 triệu USD; Công ty MB24 bị khởi tố năm 2012 với việc 107 người mua bán trên 121.349 gian hàng ảo, gây thiệt hại 631 tỷ đồng; Công ty đầu tư Tâm Mặt Trời khởi tố năm 2013 với 40.000 người bị hại, thiệt hại 122 tỷ đồng. Hay nổi cộm là vụ Liên Kết Việt với gần 60.000 người bị hại, thiệt hại 1.900 tỷ đồng.

Ngoài những vụ việc lừa đảo đội lốt bán hàng đa cấp, nhiều công ty kinh doanh đa cấp cũng vi phạm các quy định về loại hình kinh doanh này. Mới đây, ngày 11/7/2016, Bộ Công Thương cũng đã công bố kết luận thanh tra 4 công ty đa cấp gồm Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết tri thức, Công ty Cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long.

Cả 4 công ty này đều có các hành vi vi phạm các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp như: Ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không theo mẫu hợp đồng đã được sửa đổi; Có dấu hiệu huy động tiền từ nhà phân phối, gian lận, vi phạm quy định của pháp luật về thuế; Nhiều nhà phân phối có địa chỉ ghi trên chứng minh thư tại một địa phương, nhưng hoạt động kinh doanh tại một địa phương khác; Qua kiểm tra tài liệu lưu hành một số sản phẩm phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường... …

Với 4 công ty nói trên, tùy theo tính chất của hành vi có dấu hiệu vi phạm, Bộ Công Thương đã chuyển cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý, theo thẩm quyền. Riêng đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ triển khai ngay quy trình xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh. 

Một số dấu hiệu để nhận biết công ty bán hàng đa cấp biến tướng:

Cục Quản lý cạnh tranh đã đưa ra một số dấu hiệu để nhận biết bán hàng đa cấp biến tướng như: Công ty không có Giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp; Không có hợp đồng giữa công ty và nhà phân phối; Yêu cầu người tham gia đóng phí ban đầu cao bất thường hay đặt cọc mua món hàng có giá trị lớn; Sản phẩm mang tính chất đối phó, không thực sự phân phối sản phẩm; Hoa hồng chủ yếu dựa vào chi phí tuyển dụng người mới mà không dựa vào doanh số bán hàng; Người tham gia bị yêu cầu mua thêm nhiều sản phẩm hơn so với nhu cầu hoặc dụ dỗ đầu tư tạo ra nhiều mã số ảo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh đa cấp biến tướng và hệ lụy khôn lường