8 vấn đề người tiêu dùng cần biết khi tham gia bán hàng đa cấp

Lan Trần| 14/12/2017 10:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng khi muốn tham gia hoặc mua hàng của công ty bán hàng đa cấp.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công khi mua hàng của các công ty bán hàng đa cấp hoặc tham gia bán hàng đa cấp, người tiêu dùng cần quan tâm 8 vấn đề quan trọng.

8 vấn đề người tiêu dùng cần biết khi tham gia bán hàng đa cấp

Việc đầu tiên là người tiêu dùng cần vào website của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra xem công ty có giấy phép bán hàng đa cấp không. Công ty bán hàng đa cấp chính thống có giấy chứng nhận bán hàng đa cấp theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 42) và được phê duyệt, kiểm soát các hạng mục Quy tắc hoạt động, Chương trình đào tạo cơ bản, Chương trình trả thưởng, Hợp đồng với nhà phân phối và Danh mục sản phẩm, giá sản phẩm, điểm thưởng. Ngược lại, các công ty bán hàng đa cấp bất chính không có giấy chứng nhận theo Nghị định 42.

Người tiêu dùng cần xem khi tuyển dụng người tham gia bán hàng đa cấp, công ty có ký hợp đồng không.  Công ty bán hàng đa cấp chính thống ký kết hợp đồng với nhà phân phối dưới dạng văn bản theo mẫu được Bộ Công Thương duyệt. Trong khi đó, công ty bán hàng đa cấp bất chính không có hợp đồng dưới dạng văn bản để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong nhiều trường hợp, chỉ có thỏa thuận miệng, như thế là quá rủi ro cho người tham gia.

Cần xem xét xem công ty có bắt người tham gia phải trả chi phí để được tham gia không?: Chi phí tham gia không bị yêu cầu tại công ty bán hàng đa cấp chính thống, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu tạo cơ bản. Còn công ty bán hàng đa cấp bất chính thường yêu cầu người tham gia phải trả chi phí vô lý, thậm chí yêu cầu người tham gia phải đặt cọc (đầu tư) hoặc mua lượng hàng có giá trị lớn.

Liên quan đến hoa hồng được trả trên doanh số bán hàng hay trên việc tuyển dụng người.  Nhà phân phối của công ty bán hàng đa cấp chính thống được trả hoa hồng/tưởng thưởng dựa trên doanh số bán hàng. Người tham gia công ty bán hàng đa cấp bất chính được trả thu nhập chủ yếu dựa vào chi phí tuyển dụng người mới, phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới. Các công ty này còn hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn mà người tham gia khó đạt được.

Công ty có bán sản phẩm thực sự không là vấn đề cũng cần tìm hiểu. Công ty bán hàng đa cấp chính thống phân phối các dòng sản phẩm chất lượng tốt, đã được cấp phép lưu hành theo đúng quy định của pháp luật.

Trên thực tế, các công ty bán hàng đa cấp bất chính thường không phân phối sản phẩm gì cụ thể hay cố định mà chỉ tồn tại mạng lưới thông qua tuyển dụng, hoặc có sản phẩm nhưng chỉ mang tính tượng trưng, đối phó.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết nhà phân phối không bị bắt buộc hay yêu cầu mua hàng tại công ty bán hàng đa cấp chính thống. Trong khi đó, tại công ty bán hàng đa cấp bất chính, người tham gia bị yêu cầu phải mua hoặc đầu tư nhiều sản phẩm hơn nhu cầu của họ một cách vô lý (đầu cơ).

Công ty bán hàng đa cấp chính thống có chính sách đổi trả sản phẩm theo quy định của Nghị định 42. Còn các công ty bán hàng đa cấp bất chính không cho phép đổi hoặc trả lại hàng tồn kho.

Vấn đề cuối cùng người tiêu dùng cần quan tâm liên quan đến công cụ hỗ trợ, cơ sở vật chất không. Công ty bán hàng đa cấp chính thống có kênh thông tin về doanh nghiệp rõ ràng, công khai, minh bạch, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp, có tài liệu đào tạo và đội ngũ đào tạo viên chuyên nghiệp theo quy định của Nghị định 42.

Ngược lại, các công ty bán hàng đa cấp bất chính không có chương trình đào tạo, không có kênh thông tin, không đầu tư cơ sở vật chất, không chú trọng đào tạo nhà phân phối.

Trong quá trình tham gia hoạt động bán hàng đa cấp hoặc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp nếu có bất kỳ thắc mắc nào, người tham gia/người tiêu dùng có thể liên lạc với Bộ phận bảo vệ người tiêu dùng, thuộc Phòng Quản lý thương mại tại các Sở Công Thương.

Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia bán hàng đa cấp, nếu có phát sinh tranh chấp, người tham gia cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để chủ động đề nghị giải quyết quyền lợi của mình căn cứ theo hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp đã ký.

Đồng thời, nếu phát hiện doanh nghiệp có các hành vi vi phạm quy định về bán hàng đa cấp, người tham gia cần báo ngay cho các cơ quan quản lý nhà nước như: Sở Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền khác (UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn) tại địa phương, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
8 vấn đề người tiêu dùng cần biết khi tham gia bán hàng đa cấp