Chưa bao giờ, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động không chỉ cho các lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan.
“Người dùng” tiếp tay cho hành vi xâm phạm quyền tác giả
Bước vào kỷ nguyên số, cơ hội truyền tải và tiếp cận thông tin ngày một dễ dàng. Tuy nhiên, đi cùng với sự nhanh chóng và tiện lợi đó, những vấn đề liên quan đến quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số được quan tâm hơn bao giờ hết.
Vài năm trở lại đây, trong lĩnh vực xuất bản, chuyển đổi số ngày càng được đẩy mạnh. Nhu cầu và thói quen đọc của độc giả ít nhiều thay đổi, đặc biệt nhu cầu đọc sách thông qua các nền tảng công nghệ, điều này buộc các đơn vị làm xuất bản phải thay đổi theo.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhất là về bản quyền.
Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng là một thách thức lớn trong hoạt động xuất bản. Chưa bao giờ, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động không chỉ cho các lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, không có giới hạn địa lý, nhằm làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện.
Ngoài ra, những hành vi xâm phạm quyền tác giả còn được tiếp tay bởi nhiều “người dùng” khi đọc, xem, nghe các bản sao chép lậu trên mạng. Thậm chí, nhiều người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật để sản xuất những nội dung khác đưa lên mạng xã hội mà không cần xin phép hay trả tác quyền.
Các hành vi xâm phạm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng di động, vừa kinh doanh vừa ẩn dưới danh nghĩa phục vụ bạn đọc miễn phí, có nền tảng còn ngang nhiên đổi tên người dịch để tránh bị phát hiện...;
Bán sách lậu, sách giả thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử; Phát sóng trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội để tăng tương tác, tóm tắt, đánh giá (review) sách...
Chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi.
Bên cạnh đó, công tác bảo hộ bản quyền nói chung và trên không gian mạng nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới;
Chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP có mức xử phạt thấp, chưa đủ tính răn đe, một số hành vi xử phạt còn thiếu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả phù hợp với Luật SHTT mới.
Để bảo vệ tốt hơn bản quyền trên không gian mạng, các nhà xuất bản kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số để phù hợp hơn với sự phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Trong đó, quy định rõ về cách thức quản lý người dùng trên các trang mạng xã hội/sàn thương mại điện tử; Cần có một cơ chế phối hợp chung giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với các đơn vị xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các nhóm đối tượng trong toàn xã hội.
Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trong việc phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISPs) trong việc thực thi quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số.
Xem xét việc chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu cũng là một biện pháp hữu hiệu để chống vi phạm bản quyền trên không gian mạng bởi doanh thu chính của các trang web lậu đến từ tiền quảng cáo. Biện pháp này đã được nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Anh… thực hiện khá hiệu quả.
Hiện nay, hành lang pháp lý đã và đang ngày một hoàn thiện để tạo điều kiện cho các chủ thể quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cụ thể, áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm các quyền của mình; yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm bản quyền của họ chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm các quyền của mình theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác có liên quan; khởi kiện tại tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Năm 2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại Kỳ hợp thứ 3, ngày 16/6/2022. Luật sửa đổi, bổ sung này đã có những thay đổi quan trong việc tạo cơ sở pháp lý vững chắc để bảo hộ quyền tác giả đối với xuất bản phẩm trên không gian mạng.
Ngày 26/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả quyền liên quan.