Bảo tồn công trình kiến trúc Pháp cổ trụ sở TANDTC phố Lý Thường Kiệt

Tống Toàn| 24/06/2022 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang xây dựng phương án cưỡng chế một số hộ dân tại số 48-48A Lý Thường Kiệt nhằm trùng tu, tôn tạo trụ sở TANDTC (giai đoạn 2). Đây là dự án bảo tồn công trình Pháp cổ, đảm bảo sự hài hòa sau khi khánh thành công trình trụ sở mới TANDTC tại số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Công trình hiện đại, uy nghiêm, xứng tầm là cơ quan xét xử cao nhất

Tòa Thượng thẩm (tên gọi cũ thời Pháp thuộc), nay là Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) bắt đầu có thiết kế sơ bộ từ năm 1900, đến năm 1905 được duyệt kinh phí trên cơ sở thiết kế được chấp thuận. Công trình xây dựng từ 1906-1911, không có hàng rào bảo vệ, chỉ có cây xanh và tuyến đường đi bao quanh công trình. Năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia cho trụ sở TANDTC.

8b5d09729f645c3a0575.jpg
Toà Thượng thẩm thời Pháp thuộc

Dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở TANDTC số 48-48A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (giai đoạn 2) đã được TANDTC điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 44/QĐ-TANDTC-KHTC ngày 16/3/2021. Trong đó, mục tiêu đầu tư xây dựng của dự án là: “giải phóng mặt bằng khu 48-48A Lý Thường Kiệt. Trùng tu, tôn tạo, bảo tồn trụ sở TANDTC tại 48 Lý Thường Kiệt, phát huy những giá trị nổi bật của công trình Pháp cổ, đảm bảo điều kiện vật chất cho hoạt động của TANDTC. Tạo không gian tổng thể có tính thống nhất giữa thành phần trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và xây mới cảnh quan, sân vườn nâng cao hiệu quả sử dụng trụ sở, bảo tồn kiến trúc lịch sử, đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.

Đây là dự án đầu tư công, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật Đất đai 2013 trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (theo Thông báo số 401/TB-VPCP ngày 12/12/2016 của Văn phòng Chính phủ) với mục tiêu thực hiện chiến lược cải cách tư pháp tại Nghị Quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị.

anh1.jpg
Trụ sở TANDTC số 48 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội

Dự án thuộc giai đoạn 2 của dự án xây dựng Trụ sở làm việc mới của TANDTC tại địa chỉ 43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã được khánh thành ngày 28/10/2020.

Công trình trụ sở mới TANDTC tại 43 Hai Bà Trưng với phong cách kiến trúc tân cổ điển, phù hợp với kiến trúc của toà nhà 48 Lý Thường Kiệt, tạo thành một quần thể thống nhất, có sự giao thoa giữa kiến trúc cũ và kiến trúc mới. Hai toà nhà đều được thiết kế đối xứng qua trục trung tâm, tạo sự cân bằng, mặt đứng các công trình mang phong cách tân cổ điển, với tổ hợp không gian kiến trúc tiện nghi đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của công trình hiện đại mang tầm vóc, sự uy nghiêm, xứng tầm là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cưỡng chế 10 hộ dân để phục vụ dự án

Thực hiện chủ trương của UBND thành phố tại Quyết định số 7037/QĐ-UBND ngày 10/10/2017, ngày 11/4/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành định vị mốc khu đất, bàn giao cho UBND quận Hoàn Kiếm để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án. Tiếp đó, tại Quyết định 2154/QĐ-UBND ngày 28/5/2020, Thành phố giao UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án nói trên.

Ngày 24/5/2021, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định số 2089/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và Thông báo thu hồi đất số 79/TB-UBND để thực hiện Dự án Trùng tu, tôn tạo trụ sở làm việc TANDTC, số 48-48A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (giai đoạn 2).

Trong suốt quá trình triển khai, toàn bộ các bước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư đều được thực hiện tổ chức công khai, niêm yết minh bạch theo đúng quy định, trình tự của pháp luật. UBND quận Hoàn Kiếm thường xuyên chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, UBND phường Trần Hưng Đạo, Tổ công tác và các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức các cuộc họp (lập thành biên bản) để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân thuộc dự án, đồng thời tuyên truyền, vận động (mỗi hộ từ 02-03 lần) để các hộ dân hiểu và chấp hành chủ trương của Nhà nước.

Địa điểm 48 - 48A Lý Thường Kiệt có 38 chủ sử dụng (39 thửa đất), với 2 chủ sử dụng có thửa đất tại vị trí 1 tiếp giáp phố Lý Thường Kiệt; 01 chủ sử dụng có thửa đất tại vị trí 2 tiếp giáp giáp với ngõ có mặt cắt ngõ nhỏ nhất (tính từ chỉ giới hè phố Lý Thường Kiệt tới mốc giới đầu tiên của thửa đất tiếp giáp với ngõ) từ 3,5m trở lên. 5 chủ sử dụng có thửa đất tại vị trí 3 tiếp giáp giáp với ngõ có mặt cắt ngõ nhỏ nhất (tính từ chỉ giới hè phố Lý Thường Kiệt tới mốc giới đầu tiên của thửa đất tiếp giáp với ngõ) từ 2m đến dưới 3,5m. 30 chủ sử dụng (31 thửa đất) còn lại, có thửa đất tại vị trí 4 tiếp giáp giáp với ngõ có mặt cắt ngõ nhỏ nhất (tính từ chỉ giới hè phố Lý Thường Kiệt tới mốc giới đầu tiên của thửa đất tiếp giáp với ngõ) dưới 2m.

anh2.jpeg
Công trình trụ sở mới TANDTC tại 43 Hai Bà Trưng đã được khánh thành ngày 28/10/2020

Do trước đây khi mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 61/NĐ-CP của Chính phủ, các hộ bên trong đã nộp nghĩa vụ tài chính với hệ số bằng 0,6 hoặc 0,5 giá đất tại vị trí 1. Trên cơ sở đó, UBND quận Hoàn Kiếm và liên ngành thành phố đã báo cáo và được UBND TP Hà Nội chấp thuận chính sách hỗ trợ khác về đất đối với 36 chủ sử dụng có thửa đất tại vị trí 2, 3 ,4 phố Lý Thường Kiệt tại Công văn số 3003/UBND-GPMB ngày 10/9/2021. Cụ thể: Đối với các hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận theo Nghị định số 61/NĐ-CP (không phải vị trí 1) cho phép hỗ trợ khác = Giá đất cụ thể VT1 x hệ số nộp NVTC (khi mua nhà theo Nghị định 61/NĐ-CP) - Giá đất cụ thể tại vị trí đất thực tế. Đồng thời, các trường hợp chủ sử dụng nhà đất chưa được cấp Giấy chứng nhận (sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước và tự quản) cũng được hỗ trợ khác = Giá đất cụ thể VT1 x 0,5 - Giá đất cụ thể tại vị trí đất thực tế và phải khấu trừ nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Đến thời điểm hiện tại, 28/38 chủ sử dụng nhà đất đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận để Ban bàn giao các diện tích này cho TANDTC thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo.

Đối với 10/38 chủ sử dụng nhà đất chưa chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của Nhà nước, ngày 13/6/2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 08/10 chủ sử dụng nhà đất. Điều đáng nói, các chủ sử dụng nhà đất có diện tích sử dụng từ khoảng 25m2 đến 57,6m2 được phê duyệt là từ hơn 3,2 tỷ đồng đến hơn 21,4 tỷ đồng. Sau 45 ngày kể từ khi ban hành Quyết định cưỡng chế, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Với 02/10 chủ sử dụng nhà đất còn lại, một căn được phê duyệt hơn 8 tỷ đồng, 47,1m2 đất; diện tích thu hồi đất còn lại là 125,2m2, tổng tiền phê duyệt là hơn 20,4 tỷ đồng (làm tròn số). Phòng TN&MT, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận và các đơn vị liên quan đang tham mưu UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 02 chủ sử dụng nhà, đất này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn công trình kiến trúc Pháp cổ trụ sở TANDTC phố Lý Thường Kiệt