Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tiếp nhận hiện vật của Liệt sĩ - Anh hùng LLVTND Nguyễn Kim Vang

Đ. Việt - H. Đăng| 17/05/2022 14:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (17/5), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận hiện vật là Đôi lư hương đồng của Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC trao tặng.

Đây là hiện vật quý, có giá trị lịch sử gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang được gia đình đồng chí Chánh án Nguyễn Hòa Bình lưu giữ và trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

4.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ.

Tham dự buổi lễ tiếp nhận hiện vật có đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm TCCC Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các cơ quan thuộc Bộ Quốc Phòng, Cục Tuyên huấn, Tòa án quân sự Trung ương và thân nhân gia đình Liệt sĩ – Anh hùng LLVTND Nguyễn Kim Vang.

Liệt sĩ - Anh hùng LLVTND Nguyễn Kim Vang (SN 1944), là một người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi.

Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha của ông là sĩ quan quân đội Nguyễn Lựu, từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 89 (Liên khu 5) thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nổi tiếng khắp vùng Nam Trung Bộ.

Ngay từ nhỏ Nguyễn Kim Vang đã ảnh hưởng tinh thần quả cảm của người cha, nuôi ước mơ trở thành một người lính, chiến đấu vì Tổ quốc.

1.jpg
Quanh cảnh Lễ tiếp nhận hiện vật

Năm 1954, lúc 10 tuổi, Nguyễn Kim Vang theo cha tập kết ra Bắc, được học tập và đào tạo trong hệ thống các trường dành cho học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Khi mới 19 tuổi, Nguyễn Kim Vang viết đơn gia nhập vào lực lượng an ninh vũ trang, trở thành một trong những cán bộ nguồn của công an, quân đội.

Sau khóa huấn luyện, Nguyễn Kim Vang đến nhận nhiệm vụ tại điểm nóng Kỳ Sơn, vùng đất biên giới miền tây Nghệ An. Tại đây, anh và các đồng đội đã lập được nhiều chiến công.

Tháng 7 năm 1966, Nguyễn Kim Vang được phân công lên biên giới Việt Trung, công tác tại đồn biên phòng cửa khẩu Cốc Lếu- Lào Cai.

Mùa hè năm 1967, theo điều động của Bộ Tư lệnh Biên phòng, Nguyễn Kim Vang có mặt trong đoàn quân xuyên qua Trường Sơn mưa bom bão đạn trở lại vùng đất quê Phú Yên để góp sức mình cho cách mạng miền Nam.

5.jpg
Chánh án Nguyễn Hòa Bình trao tặng hiện vật là Đôi lư hương đồng của Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang cho Bảo tàng LSQS Việt Nam

Là chính trị viên của Ban an ninh Phú Yên Nguyễn Kim Vang đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công xuất sắc trong mùa khô năm 1967 và trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968.

Vào ngày 26/1/1972, Nguyễn Kim Vang ngã xuống trong một trận càn khốc liệt của Mỹ- Ngụy tại một cơ sở cách mạng ở thôn Liên Trì, xã Bình Kiến thuộc thị xã Tuy Hòa (Phú Yên).

Chia sẻ tại lễ trao tặng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, quá trình công tác, chiến đấu và hi sinh, liệt sĩ Nguyễn Kim Vang đã lập được nhiều chiến công và được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1976.

Sau này, khi Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát động cuộc thi viết về các anh hùng, liệt sĩ, có một số nhà văn đã viết về Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Kim Vang. Trong đó có hãng phim đã xây dựng những đoạn phim tài liệu giới thiệu về quá trình, chiến đấu và hi sinh của liệt sĩ Nguyễn Kim Vang.

“Anh Nguyễn Kim Vang có nhiều kỷ vật, nhưng có một kỷ vật gắn liền với sự hi sinh của anh là đôi lư hương đồng. Đôi lư hương đồng này có một chiếc bị đạn địch bắn thủng, nhân dân thôn Liên Trì tìm thấy ngay tại nơi đồng chí Nguyễn Kim Vang hi sinh. Đây là hiện vật quý có giá trị lịch sử gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của liệt sĩ Nguyễn Kim Vang được gia đình lưu giữ được và trao tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam với mong muốn làm phong phú, đa dạng các chủng loại hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ.

giam-doc-2.jpg
Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam Lê Vũ Huy trân trọng cảm ơn Chánh án Nguyễn Hòa Bình và gia đình đã trao tặng hiện vật quý cùng với sách và tư liệu về Liệt sĩ - Anh hùng LLVVND Nguyễn Kim Vang. Trên cơ sở tiếp nhận, Bảo tàng LSQS Việt Nam sẽ nghiên cứu để lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị của tài liệu hiện vật trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho khách tham quan trong nước và quốc tế.

6.jpg
Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam trao tặng chứng nhận hiến tặng hiện vật cho gia đình Chánh án Nguyễn Hòa Bình

Giám đốc Lê Vũ Huy cho biết thêm, Bảo tàng LSQS Việt Nam là một trong 6 bảo tàng quốc gia có số lượng khách tham quan cao nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước. Đến nay bảo tàng đã sưu tập được gần 15 vạn hiện vật.

7.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hàng năm, ngoài việc cán bộ, nhân viên Bảo tàng LSQS Việt Nam tổ chức đi sưu tầm theo kế hoạch, bảo tàng còn xây dựng đội ngũ cộng tác viên tại các đơn vị địa phương, vận động các cựu chiến binh, nhà sưu tập, các gia đình và nhân chứng lịch sử hiến tặng hiện vật.

8.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cùng các đại biểu đã thăm quan hiện vật là khẩu pháo mặt đất 155 ly được trưng bày tại bảo tàng.

Sau lễ trao tặng hiện vật, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cùng các đại biểu đã thăm quan hiện vật là khẩu pháo mặt đất 155 ly và một số khu trưng bày khác.

Được biết, cách đây 69 năm, ngày 21/1/1953, đồng chí Nguyễn Lựu – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 là thân phụ của đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã chỉ huy Tiểu đoàn tiến công địch tại cứ điểm Thượng An, lô cốt Đầu đèo mặt trận Liên khu 5 thu được khẩu pháo này và hiện được trưng bày tại Bảo tàng LSQS Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tiếp nhận hiện vật của Liệt sĩ - Anh hùng LLVTND Nguyễn Kim Vang